Giải pháp phát triển doanh nghiệp những tháng cuối năm

author 06:43 07/10/2023

(VietQ.vn) - Trong 3 năm qua do đại dịch Covid-19, nền kinh tế của Việt Nam nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Trong 9 tháng năm 2023, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn có trên 165 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó đa số là doanh nghiệp thành lập mới (trên 116 nghìn doanh nghiệp). Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (165,2 nghìn doanh nghiệp) vẫn lớn hơn số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường (135,1 nghìn doanh nghiệp), cho thấy lực lượng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, là một kết quả đáng ghi nhận khi đặt trong bối cảnh quốc tế, trong nước có rất nhiều khó khăn, biến động.

Cần nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp những tháng cuối năm.

Theo Tổng cục thống kê, để doanh nghiệp phát triển những tháng cuối năm cần tận dụng hiệu quả thị trường trong nước từ cả hai phía: Kích thích tiêu dùng trong nước bằng các biện pháp kích cầu tiêu dùng (miễn, giảm các loại thuế, phí như thuế VAT; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ tết, cuối năm; đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam…);

Có cơ chế, chính sách gắn kết mạnh mẽ giữa sản xuất và tiêu dùng trong nước… Bên cạnh đó, phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Bên cạnh đó, khai thác triệt để thị trường quốc tế: Duy trì, phát triển các thị trường truyền thống; Mở rộng thị trường mới, tận dụng hiệu quả các hiệp định Việt Nam đã ký kết; ; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế; Theo sát các thị trường tiềm năng, nhất là về nhu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn để cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp trong nước cùng với các cơ chế, chính sách định hướng phát triển doanh nghiệp phù hợp; Doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; Tổ chức các trường trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm lớn trên thế giới để tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa trong nước.

Về đầu tư cần đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cùng với có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với khả năng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước làm vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; giữa doanh nghiệp với thị trường trong nước, quốc tế và gia tăng khả năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước khi tham gia thị trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang