Giải pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh lên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu

author 06:20 26/09/2021

(VietQ.vn) - Dù tăng trưởng tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại hơn so với nhập khẩu trong những tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ngay lập tức, Bộ Công Thương đã đề ra những giải pháp để tháo gỡ.

Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, cụ thể như: việc tổ chức sản xuất bị hạn chế, vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm mất nhiều thời gian hơn do các địa phương thực hiện các biện pháp đang giới hạn lượng phương tiện lưu chuyển, năng lực lưu bãi, khai thác tại một số cảng đang ở mức cao và khó duy trì lâu dài. Ở thời điểm hiện nay, so với cùng kỳ các năm là giai đoạn sản xuất quan trọng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ các đơn hàng cuối năm tại thị trường Mỹ, EU, dịch bệnh chưa được khắc phục cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với khả năng đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Làn sóng 4 của dịch bệnh Covid-19 có thể nói là đợt dịch phức tạp, căng thẳng nhất đối với Việt Nam từ trước đến nay. Số lượng ca nhiễm lớn và phạm vi vùng dịch rộng khiến nhiều doanh nghiệp đã và đang phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện các biện pháp chống dịch. Dịch bệnh đã lây lan sâu vào các khu công nghiệp, sau Bắc Ninh, Bắc Giang, hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và 19 tỉnh thành phía Nam khác, đây đều là những trung tâm sản xuất công nghiệp, luôn đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 7/2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn 19 tỉnh thành phố phía Nam giảm khoảng 14% so với tháng trước, tương ứng giảm 2,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giảm 25%, Long An giảm 22%, Cần Thơ giảm 16%, Bình Dương giảm 15%, Đồng Nai giảm 10,5%,…

Giải pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh để tốc độ tăng trưởng xuất khẩu

 Tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh lên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo thực thi nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo công tác chống dịch, vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian gần đây, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 để Chính phủ và các địa phương thảo luận trong Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 16 tháng 6 năm 2021. Ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.

Gắn với tình hình trước mắt khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng dịch, các Hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang và tiếp tục triển khai:

Thứ nhất, chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.

Thứ ba, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương với mục tiêu cắt giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, cắt giảm chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kì xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản,…Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA và UKVFTA, đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm triển khai phòng chống dịch bệnh cùng các biện pháp quyết liệt, sáng tạo, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ thích ứng nhanh hơn để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang