Kinh nghiệm thúc đẩy năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

author 06:36 13/02/2023

(VietQ.vn) - Năng suất lao động (NSLĐ) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, các nước trên thế giới luôn tìm cách để thúc đẩy tăng NSLĐ thông qua tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động, hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.

Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á tiên tiến khác đã đạt nhiều thành công trong nâng cao chất lượng lực lượng lao động và thiết lập vị thế cạnh tranh dựa trên năng suất lao động. Đây là hai quốc gia từng có NSLĐ hàng đầu thế giới và khu vực ở một số giai đoạn nhất định nhờ áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng NSLĐ, cũng như từng có những giai đoạn chứng kiến NSLĐ sụt giảm do phải đối mặt với thách thức riêng biệt.

Chính vì vậy, kinh nghiệm thúc đẩy tăng NSLĐ của hai quốc gia này là những bài học thiết thực để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của đất nước.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản với tổng giá trị thiệt hại lên tới 61,3 tỷ yên. Sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Nhật Bản bị rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Thiếu năng lượng, lạm phát tăng, 13,1 triệu người không có việc làm. Nhật Bản đã từng bước khôi phục nền kinh tế và khiến thế giới ngỡ ngàng khi kinh tế phát triển chóng mặt, không chỉ vực dậy được quy mô trước chiến tranh mà còn lớn mạnh hơn rất nhiều lần.

Có được sự phát triển thần kỳ như vậy, yếu tố đầu tiên được nhắc đến là con người. Nhật Bản đã chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề, có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới để tăng NSLĐ. Giai đoạn từ 1960-1980, Nhật Bản được biết đến là nước có NSLĐ cao hàng đầu thế giới và có quá trình cải thiện NSLĐ hiệu quả. Đạt được thành tựu này là do Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện NSLĐ, gồm: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện; Bảo trì năng suất tổng thể và Sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục. Nhờ các biện pháp tăng NSLĐ hiệu quả này cùng với chiến lược phát triển của Chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển thần kỳ và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới, một siêu cường kinh tế. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, NSLĐ của Nhật Bản sụt giảm đáng kể. Từ một nước đi đầu trong công cuộc tự động hóa, tập trung nâng cao khả năng sản xuất nhưng Nhật Bản lại là nước có năng suất làm việc thấp nhất trong nhóm G7. Tốc độ tăng NSLĐ của Nhật Bản đã đình trệ dưới 2% trong suốt hai thập kỷ qua, khoảng cách tăng trưởng năng suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển ngày càng lớn.

Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á tiên tiến khác đã đạt được nhiều thành công trong nâng cao chất lượng lực lượng lao động và thiết lập vị thế cạnh tranh dựa trên năng suất lao động.

 Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á tiên tiến khác đã đạt nhiều thành công trong nâng cao chất lượng lực lượng lao động và thiết lập vị thế cạnh tranh dựa trên năng suất lao động. 

Cải thiện NSLĐ là một trong những bài toán của Nhật Bản. Vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn khi Nhật Bản có NSLĐ vẫn ở mức thấp. Nhật Bản đã đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng sụt giảm NSLĐ như: Giữ chân lao động lớn tuổi nhiều kinh nghiệm. Nhật Bản đang tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi vào năm 2025, đồng thời đưa ra các lựa chọn việc làm cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu, giữ chân lao động lớn tuổi và hỗ trợ lao động tạm thời. Các công ty tư nhân nỗ lực thực hiện các mô hình việc làm linh hoạt hơn và điều chỉnh các hình thức lao động để thu hút người lao động lớn tuổi ở lại làm việc;

Giải quyết hạn chế về nguồn cung lao động bằng cách xem xét lại chính sách nhập cư và áp dụng các công nghệ thế hệ mới. Cụ thể: Tạo môi trường lao động công bằng cho cả lao động lâu dài và lao động tạm thời; xây dựng các chương trình đào tạo lại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của doanh nghiệp; khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn; đưa tự động hóa lên cấp độ cao hơn; triển khai các công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất và tiếp tục hành trình số hóa;

Cải cách hệ thống giáo dục nhằm phát triển tài năng và năng lực dài hạn: tạo ra một thế hệ lao động mới có kỹ năng giỏi và tư tưởng tiến bộ nhằm tăng năng suất và tính cạnh tranh; đẩy mạnh tư duy toàn cầu; xây dựng kênh kết nối giữa giáo dục và việc làm thực sự; thu hút tất cả nguồn lực để đào tạo nhân tài, năng lực lãnh đạo và kỹ năng cho tương lai;

Tăng cường văn hóa khởi nghiệp: tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp, công ty thành lập mới, đặc biệt hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp, tạo ra hệ sinh thái cho phép các doanh nghiệp đổi mới và phát triển; Thực hiện cải cách định hướng thị trường để tăng tính cạnh tranh: Giảm sự can thiệp của Chính phủ vào một số lĩnh vực cụ thể, gỡ bỏ rào cản cho các công ty khởi nghiệp và giảm bảo trợ đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả;

Cải thiện năng suất trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tái cấu trúc để tạo ra môi trường công nghiệp cạnh tranh và dễ thích ứng hơn; Cải cách phong cách làm việc: Từ năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình cải cách phong cách làm việc, theo đó tổng số giờ làm thêm đã giảm và số ngày nghỉ phép năm mà người lao động sử dụng đã tăng lên;

Thay đổi phương thức làm việc, chuyển sang làm việc từ xa, làm việc tại nhà nhiều hơn và thay đổi cơ cấu tại nơi làm việc, tăng sử dụng lao động là phụ nữ và người nước ngoài. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp đã từng bước áp dụng các giải pháp nêu trên để cải thiện NSLĐ nhưng hơn ba thập kỷ qua NSLĐ của Nhật Bản vẫn ở mức thấp so với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhóm các nước G7.

Theo xếp hạng của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tháng 9/202115 cho các quốc gia trong khu vực, chỉ số NSLĐ của Nhật Bản tính chung theo 4 trụ cột chính (kinh tế, toàn cầu hóa, quy định thị trường và chất lượng thể chế) xếp thứ 3 sau Xin-ga-po và Trung Quốc.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Từ giữa những năm 1970, NSLĐ trong lĩnh vực chế biến, chế tạo của Hàn Quốc thấp hơn 40% NSLĐ của Nhật Bản và chưa bằng 20% NSLĐ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên đến giữa những năm 1980, NSLĐ của Hàn Quốc bắt đầu tăng nhanh chóng, giúp thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, NSLĐ của Hàn Quốc đã bằng 70% NSLĐ của Nhật Bản và bằng 50% NSLĐ của Hoa Kỳ. Sự thu hẹp khoảng cách mạnh mẽ này có được là nhờ tốc độ tăng NSLĐ trong những năm 1980 và 1990 của Hàn Quốc rất cao, tăng bình quân 8,6%/năm và 10,3%/năm, trong khi Hoa Kỳ tăng lần lượt là 6,3%/năm và 3,5%/năm; Nhật Bản là 6,5%/năm và 3,4%/năm.

Từ năm 1990 đến nay, NSLĐ ở Hàn Quốc đã tăng với tốc độ bình quân 4,7%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân 1,9%/năm của OECD; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã đóng góp trung bình 1,75 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm, trong khi mức đóng góp này của Hoa Kỳ là 0,5 điểm phần trăm.

kinh nghiệm thúc đẩy tăng NSLĐ của hai quốc gia này là những bài học thiết thực để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của đất nước.

 Kinh nghiệm thúc đẩy tăng NSLĐ của Hàn Quốc là những bài học thiết thực để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của đất nước.

Tăng năng suất nhanh cho thấy sự bắt kịp nhanh chóng của Hàn Quốc với các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng NSLĐ đã chậm lại khi Hàn Quốc tiến tới biên giới tri thức toàn cầu. Theo OECD, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc đã chậm lại, từ hơn 9% vào đầu những năm 1990 xuống còn khoảng 3% trong năm 2016.

Sự sụt giảm là do hai yếu tố: đóng góp của đầu vào lao động giảm do tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động và số giờ làm việc giảm; xu hướng NSLĐ đã giảm từ khoảng 6% xuống còn hơn 2%, phản ánh phần nào sự hội tụ của Hàn Quốc đối với các nước có thu nhập cao. NSLĐ của Hàn Quốc khác biệt với các nước phát triển trong nhóm OECD là do NSLĐ ngành dịch vụ của Hàn Quốc thấp, chỉ bằng 45% NSLĐ ngành chế biến, chế tạo trong năm 2014, so với mức trung bình 90% của OECD. Dịch vụ chiếm 59,2% GDP của Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD, vì sự phát triển mạnh mẽ về xuất khẩu đã hút vốn, nhân tài và các nguồn lực khác khỏi dịch vụ để tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Điều này làm cho tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của lĩnh vực dịch vụ thấp.

Tại Hàn Quốc, tăng TFP đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2001-2009, thấp hơn so với mức đóng góp 1,7 điểm phần trăm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Lĩnh vực dịch vụ có mức thâm dụng vốn thấp, vốn trên mỗi lao động thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển, do đó kìm hãm tăng NSLĐ. Ngoài ra, liên kết giữa dịch vụ và các lĩnh vực khác còn yếu. Tỷ trọng của dịch vụ như hàng hóa trung gian trong tất cả ngành công nghiệp của Hàn Quốc chỉ ở mức 16% năm 2011 so với khoảng 26% tại Hoa Kỳ và Đức.

Hàn Quốc cũng xuất khẩu dịch vụ ít hơn so với các nước OECD khác. Tỷ trọng của ngành dịch vụ trong xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2012 chỉ đạt 2,5% so với 14,5% của Hoa Kỳ và 3,3% của Nhật Bản. Để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra “Các biện pháp và định hướng chính sách ngành dịch vụ năm 2013” nhằm mục đích: đảm bảo đối xử bình đẳng về thuế giữa hai lĩnh vực dịch vụ và chế biến, chế tạo; cải thiện hỗ trợ tài chính từ khu vực công; nâng cao hình ảnh xã hội của các dịch vụ; tăng cường nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ; cung cấp hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.

Chính sách nói trên dựa trên hai ưu tiên. Ưu tiên thứ nhất là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Ưu tiên thứ hai là tăng cường các quy định liên quan đến an toàn, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, trước những trở ngại đối với R&D của các SME, chính phủ đã đưa ra một số sáng kiến, bao gồm: tăng tỷ trọng đầu tư công cho R&D từ 12,4% năm 2011 lên 18,0% năm 2017 cho các SME; yêu cầu các Viện nghiên cứu của Chính phủ nâng cao tỷ trọng ngân sách dành cho các SME từ 7% năm 2012 lên 15% năm 2017; tăng cường hỗ trợ công nghệ cho các SME thông qua các chương trình khuyến nông và đổi mới, sáng tạo.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang