Kỳ vọng mới thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

author 06:48 04/08/2023

Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ là động lực mới thúc đẩy việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đây là đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Ông đánh giá thế nào về bối cảnh ra đời nghị quyết này?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Trước hết, qua theo dõi các số liệu thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, tình hình thị trường thế giới, như “6 cơn gió ngược” mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, thì phải nhấn mạnh rằng chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, một số quyết tâm cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng bị sao nhãng trong bối cảnh dịch bệnh, cùng những biến động mới về kinh tế - xã hội trên thế giới và Việt Nam. Nhiều văn bản mới ban hành lại chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí đẻ thêm thủ tục và giấy phép con; trong khi tính minh bạch, công khai thông tin chính sách và thực thi chính sách còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng theo cơ chế thị trường của các thành phần kinh tế…

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việc đổi mới thể chế/chính sách lẫn cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thực sự có những bước chuyển biến theo kịp các nhu cầu mới về tái cấu trúc nền kinh tế hậu Covid-19 sang kinh tế số, nền tảng số và kinh doanh dựa trên đổi mới – sáng tạo. Mặc dù việc đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số được nói tới nhiều nhưng công nghệ và dịch vụ công trực tuyến còn chưa thực sự hoàn thiện. Nhiều chỗ, nhiều nơi đa phần chỉ dừng lại ở các chủ trương chung, mang tính phong trào, hoặc chỉ nhỏ lẻ… trong khi nền kinh tế số hay chính phủ số cần những thay đổi đồng bộ cả về chiến lược, thể chế, chính sách cho đến sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan.

Ngoài ra, các chi phí kinh doanh vẫn còn cao hơn rất nhiều so với trung bình các quốc gia trong khu vực. Ngoài vấn đề về chi phí vốn thì còn chi phí tăng cao do năng lực cạnh tranh các hạ tầng và dịch vụ kinh doanh còn yếu, từ các hạ tầng cứng cho đến dịch vụ tài chính – fintech, logistics…, khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp ở mức cao.

Việc đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí có tác động tích cực, nâng cao chỉ số về chống tham nhũng của Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng nó cũng bộc lộ những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định đến môi trường quản lý nhà nước cũng như môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Xuất hiện hiện tượng đùn đẩy, né tránh từ những người thực thi công vụ...

PV: Như vậy, việc Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng để nhằm tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lúc này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Có thể thấy, tại nghị quyết này Chính phủ đã chỉ ra một cách thẳng thắn những khó khăn, hạn chế khiến tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không có nhiều điểm lạc quan.

Các mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong dự thảo nghị quyết khá chi tiết và có giao cụ thể cho từng cơ quan, bộ, ngành để triển khai, có báo cáo cụ thể, cũng như mốc thời gian thực hiện, mốc thời gian báo cáo…

Đặc biệt, trong nghị quyết nêu rõ việc các bộ, ngành trung ương phải là đầu mối xử lý các vướng mắc về môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu các mục tiêu này được thực hiện một cách đầy đủ và kịp thời, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự giảm thiểu đáng kể các chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người dân.

Dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, để môi trường kinh doanh được cải thiện thực sự thì cần dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết (theo đúng chức trách, nhiệm vụ đã được pháp luật giao), phá bỏ sự cố thủ của các rào cản kinh doanh, rào cản tạo thuận lợi thương mại và đầu tư theo chuẩn mực quốc tế. Tại Nghị quyết 105, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức còn e dè, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Ví dụ, Bộ Công thương phải xử lý vướng mắc về môi trường đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ngay trong tháng 7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết được tình trạng khó khăn và chi phí cao trong tiếp cận tín dụng ngân hàng; phối hợp hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Chúng tôi kỳ vọng những giải pháp cụ thể này sớm được triển khai và phát huy hiệu quả ngay để tháo gỡ được những khó khăn và vấn đề về môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp vướng mắc lâu nay.

PV: Theo ông, để các nội dung thiết thực tại Nghị quyết 105 sớm đi vào cuộc sống cần lưu ý những điều gì?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Để nghị quyết này thực sự hiệu quả, song song với việc rốt ráo triển khai, cần làm ngay công tác rà soát các mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là rà soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, bao gồm cả việc rà soát công tác thanh tra, kiểm tra chồng chéo, nhiều tầng nấc, làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Bên cạnh các cơ chế thực thi – giám sát chính sách từ nghị quyết này bởi các cơ quan bộ ngành, cũng rất cần sự tham gia giám sát, phản biện, tư vấn của các đơn vị tư vấn chính sách độc lập, các chuyên gia cao cấp, các hiệp hội và cả sự tham gia góp ý của báo chí, truyền thông...

PV: Xin cảm ơn ông!

5 nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023.

Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

Một là, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Ba là, hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân. Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Theo Thời báo Tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang