Lao đao... làng nghề

author 06:12 10/10/2012

(VietQ.vn) - "Để nâng cao chất lượng sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam trước hết cần nâng cao trong thiết kế mẫu mã và chiến lược phát triển bền vững” - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ông Lưu Duy Dần nói.

Phát triển chưa tương xứng

Theo thống kê, hiện nay cả nước ta có gần 2.800 làng nghề, trong đó hơn 1.600 làng nghề được công nhận, gần 400 làng nghề truyền thống và hàng trăm nghệ nhân được phong tặng danh hiệu với 53 nhóm nghề, ước tính có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau như: dệt may, da giầy, mây tre đan, kim khí, vàng bạc mỹ nghệ, đồ đồng mỹ nghệ, gốm sứ, thêu ren, chiếu cói, thổ cẩm….

Nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như: Tơ lụa Vạn Phúc, Đồng Ngũ Xã,  gỗ Sơn Đồng, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu, gỗ Đồng Kỵ, thổ cẩm Mai Châu, kim hoàn Định Công, khảm Chuôn Ngọ… Các làng nghề truyền thống đã và đang có nhiều đóng góp cho GDP của đất nước nói chung và nền kinh tế nông thôn nói riêng. 

sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn còn đơn điệu về mẫu mã
sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn còn đơn điệu về mẫu mã
Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống bị mai một đã được khôi phục lại, đầu tư và phát triển cả về quy mô và kỹ thuật. Hàng hóa không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới với số lượng, giá trị lớn.
 
Làng nghề truyền thống đóng vai trò vô cùng quan trọng, trực tiếp tác động tới sự phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm ngheo, giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.
 
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, các làng nghề truyền thống Việt Nam cũng đang dần chuyển mình để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Thị trường tiêu thụ mở rộng, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước với giá trị lớn. Vì vậy, những năm gần đây số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân khoảng 9% - 10%/năm, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề không ngừng tăng theo.
 
Bên cạnh những thuận lợi thì thách thức đặt ra đối với các làng nghề truyền thống của Việt Nam là một vấn đề lớn mà Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các chuyên gia nghiên cứu Làng nghề Thủ công mỹ nghệ (TCMN) nhiều lần đưa ra giải pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống Việt Nam giải quyết khó khăn hiện nay.
 
Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: “Thời gian quan, việc phát triển làng nghề còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề. Sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, mẫu mã thiếu đa dạng phong phú, chủ yếu sản xuất đơn hàng theo mẫu mã của nước ngoài đặt hàng”.
 
Thực tế, các sản phẩm TCMNVN chủ yếu được làm gia công, máy móc, phương tiện kỹ thuật còn lạc hậu. Nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho sản xuất làng nghề còn hạn chế, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ nơi khác. Vì thế, chất lượng sản phẩm chưa cao, vào trình độ tinh sảo và giá trị truyền thống của sản phẩm ít được chú trọng.
 
Chúng ta bị hạn chế về vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ do doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN chưa thực sự nắm rõ thông tin về thị trường muốn xuất khẩu. Trong khi đó, hầu hết sản phẩm TCMNVN chưa có nhãn mác thương hiệu làm hạn chế sức cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan....
 
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, Làng nghề mộc La Xuyên, Nam Định cho rằng, không chỉ làng nghề mộc La Xuyên mà các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN đang gặp phải tình trạng khan hiếm đơn hàng, hoặc có thì giá rất thấp, trong khi đó, gia thành và giá nguyên liệu đang tăng mạnh, khiến cho nhiều doanh nghiệp phải bỏ đơn hàng.

Mở rộng hướng ngoại

Đại diện cho Gốm Chu đậu, Nam Sách, Hải Dương chia sẻ, nghề gốm cổ truyền Chu Đậu đã bị thất truyền từ 500 năm nay, cơ sở vật chất sản xuất gốm hầu như không còn, thợ gốm giỏi ở địa phương không có, vì thế để đào tạo nguồn nhân lực cho gốm Chu Đậu hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
 
Gốm Chu Đậu được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công nên đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, truyền tải những giá trị nghệ thuật của sản phẩm qua từng nét vẽ. Vì vậy, đào tạo được một nghệ nhân có trình độ tay nghề cao đòi hỏi phải mất thời gian khá dài.
 
Theo như khảo sát tại thị trường EU đối với mặt hàng đồ lưu niệm của Việt Nam xuất khẩu sang. Mỗi năm tại thị trường EU, mặt hàng này tiêu thụ khoảng 800 tỷ USD. Trong khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang chỉ chiếm chưa tới 1%. Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống trước hết cần chủ động tiếp cận với thị trường cả nội địa và thị trường nước ngoài đặc biệt là một thị trường lớn như EU.
 
Thạc sỹ Bùi Văn Vượng, chuyên gia nghiên cứu Nghề TCMN và Làng nghề VN nhận định, hiện nay chúng ta đang thừa những mặt hàng truyền thống như: lụa tơ tằm, mây tre đan, gốm, thêu ren...nhưng lại thiếu những mặt hàng lưu niệm tại các khu du lịch. Hàng Việt Nam tại các khu du lịch hầu như không có hoặc nếu có thì chất lượng rất kém không mang nét đặc trưng về con người tập tục của chính địa phương đó, chủ yếu là hàng của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan....
Thị trường các quốc gia trong khu vực và châu âu vẫn đang bỏ ngỏ
Thị trường các quốc gia trong khu vực và châu âu vẫn đang bỏ ngỏ
 
Thực tế cho thấy, để sản phẩm TCMNVN phát triển không chỉ ở thị trường nội địa mà vươn xa hơn là xuất khẩu sang các thị trường lớn khác, đòi hỏi sản phẩm TCMNVN cả về chất và lượng. Đường nét hoa văn trên sản phẩm TCMN phải truyền tải văn hóa đặc trưng của dân tộc, mang giá trị bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tạo ra nét khác biệt nổi trội qua những sản phẩm TCMNVN với sản phẩm của các nước khác. Yêu cầu về mẫu mã, thiết kế kiểu dáng được các chuyên gia đặt lên hàng đầu.
 
Chủ tịch Hiệp hội thêu ren TP. Hà Nội, ông Mai Văn Hưởng khẳng định: Các sản phẩm TCMNVN cần được hợp tác chặt chẽ giữa người sản xuất và các họa sỹ thiết kế”. Phát động phong trào thiết kế sáng tạo mẫu mã mới cho các sản phẩm TCMN từ họa sĩ, doanh nghiệp đến các nghệ nhân trong làng nghề truyền thống. Đồng thời, mở các lớp đào tạo dạy nghề thiết kế mẫu mã sản phẩm; tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm TCMN và trao giải cho những thiết kế đẹp, kiểu dáng, chất lượng, giá cả thích hợp để khuyến khích phong trào thiết kế phát triển trên phạm vi cả nước.
 
Thị trường tiêu thụ và sản phẩm hàng hóa luôn theo quy luật cung -  cầu. Muốn nắm bắt được xu hướng của thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống phải xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiên cứu thị trường trước khi quyết định sản xuất, xuất khẩu sang một thị trường nào đó. Sản phẩm TCMN vừa mang văn hóa truyền thống dân tộc vừa phù hợp với phong cách của người tiêu dùng tại từng thị trường.
 
Các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, vừa nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đồng thời khắc phục ô nhiêm môi trường. Đúng với phương châm “hiện đại hóa truyền thống, truyền thống hóa hiện đại”, nâng cao hiệu quả kinh doanh thúc đẩy sản xuất hàng TCMN phát triển.
 
Đã đến lúc, cơ quan quản lý và Hiệp hội các làng nghề cần nâng cao hơn nữa nhận thức về giá trị kinh tế, văn hóa của các làng nghề truyền thống. Đưa ra những chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống sản xuất sản phẩm TCMN, hạn chế tối đa tình trạng sao chép mẫu mã tràn lan như hiện nay. 
 
Vũ Vân
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang