Liên tiếp phát hiện đồng hồ giả mạo nhãn hiệu: Tiêu chí nào để xác định đồng hồ chất lượng?

author 13:42 20/10/2023

(VietQ.vn) - Đồng hồ là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cũng chính vì nhu cầu cao nên đồng hồ đeo tay đang là mặt hàng bị làm nhái, giả nhiều trên thị trường.

Ngoài túi xách, nước hoa, đồng hồ là mặt hàng bị làm nhái, làm giả nhiều nhất trong những năm gần đây. Những chiếc đồng hồ fake chỉ sử dụng thời gian ngắn đã có dấu hiệu ngấm nước, chạy lệch giờ, chết máy. Thậm chí, những chiếc đồng hồ này còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe người dùng.

Liên tiếp phát hiện lượng lớn đồng hồ giả mạo nhãn hiệu

Ngày 05/4/2023, Đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh ban hành quyết định kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với cửa hàng đồng hồ tại địa chỉ 982 Đường 3 Tháng 2, Phường 12, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm kiểm tra cửa hàng đồng hồ do ông Huỳnh Quốc là đại diện hộ kinh doanh có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, có thực hiện niêm yết giá theo quy định. Tuy nhiên cửa hàng có hành vi kinh doanh 31 chiếc đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu Rolex, không hóa đơn chứng từ, không ghi xuất xứ, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá theo giá niêm yết là 6.950.000 đồng.

Ngày 20/7/2023, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Đội chống buôn lậu, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Kiên Giang kiểm tra hộ kinh doanh CTW, địa chỉ trên đường Trần Quang Khải, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, do ông Nguyễn Văn T làm chủ hộ kinh doanh. Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 91 chiếc đồng hồ đeo tay các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Tissot, Longines, Rado, Citizen, Casio.

Qua quá trình thẩm tra, xác minh vụ việc và tài liệu do đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu cung cấp, Đội QLTT số 2 xác định có 88 cái đồng hồ giả mạo nhãn hiệu Rolex, Omega, Tissot, Longines, Rado, Casio giá trị hơn 480 triệu đồng và 03 cái đồng hồ Citizen nhập lậu, có giá trị trên 7 triệu đồng. 

Mới đây nhất, ngày 11/10/2023, Đội QLTT số 17 phối hợp với Đội 6, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh SUNLUX tại số 122 phố Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

 Đồng hồ giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ tại Hà Nội. (Ảnh: Cục QLTT Hà Nội)

Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 14 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Hublot và 16 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Rolex. Tổng trị giá hàng hóa là 7.024.000.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa gồm 30 chiếc đồng hồ đeo tay nêu trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không cùng lô, cùng loại, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Tiếp tục kiểm tra tại cơ sở kinh doanh đồng hồ QUANG 89 LUXURY, tại số 25 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 7 chiếc đồng hồ đeo tay mang các nhãn hiệu Roex, AP Audemars Piguet, hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Đại điện cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến 7 chiếc đồng hồ nói trên, cơ sở không thực hiện việc niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định.

Tác hại khi sử dụng đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu

Đồng hồ là loại phụ kiện được nhiều người yêu thích, không chỉ dùng để xem giờ mà còn là món đồ trang sức thể hiện tính thời trang, đẳng cấp của người đeo. Tuy nhiên đồng hồ đang được làm giả, nhái tràn lan trên thị trường gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của các nhà bán lẻ, đồng hồ fake đang có xu hướng ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho thương hiệu chính hãng. Watchfinder & Co (nhà bán lẻ trực tuyến đồng hồ đã qua sử dụng) từng có thể xác định khoảng 80% đồng hồ giả chỉ bằng mắt thường, nhưng hiện tại, con số đó chỉ là 20%. Các thương hiệu đồng hồ chính hãng bị sao chép nhiều nhất phải kể tới tên tuổi đình đám: Rolex, Omega, Hublot.

Trên thị trường Việt Nam hiện cũng bán tràn lan đồng hồ giả, nhái. Những địa chỉ này thường nhỏ lẻ, không có thương hiệu. Khi mua sản phẩm ở đây sẽ không được bảo hành chính hãng, chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Điển hình có những địa chỉ công khai bán hàng giả, hàng kém chất lượng với giá chỉ vài trăm nghìn đồng một chiếc đồng hồ mang thương hiệu nổi tiếng như Hublot, Omega, Rolex,... Ngoài các watchstore lừa đảo, không uy tín, thực trạng đồng hồ giả còn được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. 

Theo các chuyên gia, đồng hồ giả là những chiếc đồng hồ được gia công giống như hàng thật nhưng chất lượng kém hơn. Bởi vậy tất cả sản phẩm đồng hồ giả đều có bộ máy đạt chất lượng kém hơn nhiều lần so với hàng chính hãng. Bộ máy bên trong đồng hồ giả thường chế tạo sơ sài, không đầy đủ tính năng như đồng hồ thật và đôi khi còn gặp các tình trạng lỗi.

Ngoài ra, đồng hồ thật thường được thiết kế sắc sảo, tinh tế, tỉ mỉ còn hàng giả thô kệch, sơ sài. Những chiếc đồng hồ chính hãng luôn được trang bị chất liệu 100% nguyên bản y hệt trong thông tin sản phẩm. Ngược lại, hàng giả sẽ làm bằng từ các chất liệu rẻ tiền hơn, thậm chí còn có những chất liệu gây kích ứng khi sử dụng.

Tiêu chí cơ bản đánh giá đồng hồ tốt

Thương hiệu: Các thương hiệu đồng hồ tốt nhất được khẳng định theo thời gian, có lịch sử lâu đời. Ngoài ra, trên thị trường có nhiều thương hiệu nổi tiếng khác trẻ trung hơn nhưng chất lượng cũng khá tốt. Vì vậy nên chọn đồng hồ đang được nhiều người dùng và có phản hồi tốt vì dù sao đấy chính là kiểm nghiệm chính xác nhất.

Giá cả: Giá cả thường đi kèm với chất lượng, một chiếc đồng hồ chất lượng sẽ không thể có giá thành rẻ. Bởi giá của đồng hồ phụ thuộc vào thương hiệu, tính năng, độ chính xác, hay đơn giản là lượng kim loại quý dùng để làm nó. Các nhà thiết kế đang được trả tiền để làm cho đồng hồ ngày càng tinh xảo hơn.

Máy đồng hồ: Đồng hồ điện tử thường chạy chính xác hơn. Nhưng nếu sở hữu một chiếc đồng hồ cơ tự động sẽ có nhiều người nhìn bạn bằng ánh mắt ngưỡng mộ hơn, vì chi phí sản xuất cao hơn do phải làm nhiều chi tiết hơn. Đồng hồ cơ đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ hơn nên cần đến kinh nghiệm và tay nghề của thợ sản xuất đồng hồ; cả hai thứ này đều không rẻ. Nguyên liệu làm đồng hồ cơ (vàng, đá quý, các kim loại đặc biệt) đắt tiền hơn; chế độ bảo hành phức tạp do có nhiều chi tiết hơn; hệ thống phân phối với số lượng ít hơn thì chi phí sẽ cao hơn.

Mặt đồng hồ: Mặt làm bằng mica dễ bị đàn hồi và xước nhưng dễ đánh bóng, làm mới. Mặt thuỷ tinh khoáng không đàn hồi chống nước tốt, khó xước hơn và cũng có thể đánh bóng khi bị xước. Mặt bằng saphia chống xước tốt nhất, chỉ xước nếu bị cọ với kim cương.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang