Một số ví dụ điển hình về vai trò quan trọng của tiêu chuẩn ESG

author 07:16 24/06/2024

(VietQ.vn) - Bộ tiêu chuẩn ESG nhằm đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động bền vững của doanh nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi. ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp, đây cũng là 3 trụ cột của bộ tiêu chuẩn này.

Hiện nay, phát triển bền vững đã và đang trở thành trọng tâm của mọi chính sách phát triển và trở thành một xu thế tất yếu trong tương lai. Vì vậy, việc doanh nghiệp, tổ chức áp dụng các tiêu chuẩn nhằm hướng đến sự phát triển bền vững là bước đi đúng đắn và khôn ngoan.

Trong đó, bộ tiêu chuẩn ESG nhằm đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động bền vững của doanh nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi. ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp, đây cũng là 3 trụ cột của bộ tiêu chuẩn này.

Áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Trên thế giới, có nhiều ví dụ điển hình về doanh nghiệp áp dụng thành công ESG. Điển hình như Tập đoàn toàn cầu Lenovo, chuyên sản xuất máy tính và linh kiện điện tử. Lenovo bắt đầu áp dụng chuẩn mực ESG vào năm 2009. Các sáng kiến ESG của Công ty bao gồm các hoạt động trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ Mục tiêu Phát triển Bền vững của UN (SDG).

Trong cuộc phỏng vấn giữa tạp chí Forbes và đại diện Lenovo khu vực Trung Á (Forbes, 2022), cho biết: Thứ nhất về môi trường, Lenovo đã ưu tiên thực thi nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Những nỗ lực bảo vệ môi trường (sử dụng các vật liệu đóng gói thân thiện môi trường, đổi mới quy trình hàn nhiệt độ thấp trong các nhà máy chế tạo bảng mạch,...) được triển khai suốt nhiều năm qua trên toàn chu trình từ vật liệu đầu vào, sản xuất cho đến vận chuyển và dịch vụ khi kết thúc vòng đời sản phẩm. Nhờ đó, năm 2021, Lenovo vượt mục tiêu, giảm được 40% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010.

Thứ hai về xã hội, Lenovo thực hiện nhiều khảo sát về phương hướng của công ty. Trong đó, 83% khách hàng mong muốn có nhà cung ứng đáp ứng được tiêu chuẩn ESG. Trong một cuộc khảo sát khác, 86% nhân viên cho biết họ thích làm việc với công ty có tầm nhìn ESG rõ ràng. Lenovo quyết tâm đảm bảo rằng các điều kiện làm việc tại các địa điểm của công ty là an toàn; công nhân được đối xử một cách tôn trọng; hoạt động là thân thiện với môi trường; và hoạt động kinh doanh là được tiến hành một cách có trách nhiệm và có đạo đức…

Còn về mặt quản trị, Lenovo nằm trong Top 100 tập đoàn toàn cầu bền vững nhất của Corporate Knights Global 100, đồng thời các tổ chức Gartner và CDP công nhận về sự xuất sắc và bền vững trong chuỗi cung ứng.

Hay vụ bê bối gian lận khí thải vào năm 2015 của Volkswagen là một trong những ví dụ điển hình về quản lý rủi ro ESG và những hậu quả mà công ty có thể phải đối mặt. Hãng xe này đã bị Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) phát hiện hành vi vi phạm Đạo luật Không khí sạch khi công ty sử dụng phần mềm gian lận nhằm thay đổi kết quả kiểm định hệ thống phát thải của 11 triệu xe ô tô. Phần mềm này giúp các xe chạy diesel của Volkswagen vượt qua các cuộc kiểm tra khí thải, trong khi mức phát thải thực tế cao gấp 10 - 40 lần tiêu chuẩn cho phép.

Volkswagen sau đó đã phải đối mặt với vô số các vụ kiện từ đối tác và các bên liên quan. Công ty đã phải nhận mức phạt lên đến hơn 40 tỷ USD - mức phạt lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô và giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỷ euro chỉ trong 2 ngày với danh tiếng bị thiệt hại nặng nề. Với việc Volkswagen thu hồi hàng triệu ô tô trên toàn thế giới, hãng đã dành ra 6,7 tỷ euro để bồi thường, đã dẫn đến việc công ty công bố khoản lỗ hàng quý đầu tiên trong 15 năm là 2,5 tỷ euro vào cuối tháng 10/2015. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Volkswagen trong mắt đối tác và người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây của AutoPacific với khoảng 500 chủ sở hữu phương tiện, chỉ có 2/10 số người được hỏi có thiện cảm với nhà sản xuất ô tô này, 7/10 người cho biết có thiện cảm với thương hiệu trước khi vụ bê bối xảy ra. Khoảng 64% chủ sở hữu phương tiện cho biết họ không còn tin tưởng Volkswagen nữa. 

“Vụ bê bối của Volkswagen cho thấy sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực ô tô. Từ đó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc cân nhắc ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Các nhà đầu tư không còn có thể bỏ qua các rủi ro và cơ hội ESG” - Tim Crockford, trưởng phòng vốn chủ sở hữu của Quản lý đầu tư Hermes.

Vụ bê bối nêu bật những rủi ro về uy tín và tài chính của việc thực hiện ESG kém, đồng thời là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp không ưu tiên xem xét ESG.

Các chuyên gia đánh giá, để hiểu các tiêu chí ESG có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp như thế nào, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu rõ ba trụ cột thiết yếu của ESG chính là một là hiệu suất môi trường, điều này bao gồm các chính sách và thực tiễn về môi trường của doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm lượng khí thải carbon, tiêu thụ năng lượng hoặc những gì đang được thực hiện để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hai là hiệu suất xã hội điều này xem xét các nỗ lực của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội và cách doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng mà doanh nghiệp hoạt động. Điều này có thể bao gồm các sáng kiến như các chương trình hòa nhập và đa dạng lực lượng lao động, thực hành lao động hoặc làm việc trong các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Ba là quản trị, điều này xem xét trách nhiệm giải trình, đạo đức và các biện pháp minh bạch của công ty. Nó cũng bao gồm cách cấu trúc đội ngũ lãnh đạo và cách các quyết định được đưa ra trong tổ chức.

Điểm mấu chốt của một doanh nghiệp bền vững là đặt ba khía cạnh này lên hàng đầu trong hoạt động của mình, từ đó tạo ra một chiến lược kinh doanh tích cực tìm cách cải thiện môi trường và nâng đỡ cộng đồng địa phương đồng thời tạo ra lợi nhuận.

Thanh Tùng (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang