Mưa kim cương ngoài vũ trụ thực sự tồn tại?

author 19:35 31/05/2015

(VietQ.vn) - Các nhà thiên văn học Mỹ đã từng công bố công trình nghiên cứu về khả năng xuất hiện những cơn mưa kim cương trên Sao Mộc và Sao Thổ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy những cơn mưa kim cương thật sự tồn tại.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Báo Dân Việt đưa tin, hai nhà khoa học hành tinh, Mona Delitsky của Cơ quan Kỹ thuật đặc biệt Califoria (CSE) ở Pasadena, California, Mỹ và Kevin Baines của Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu và cho biết, Sao Mộc, sao Thổ có thể chứa rất nhiều kim cương và hiện tượng mưa kim cương có khả năng xảy ra trên hai hành tinh này.

Những mô hình chuẩn về cấu trúc hành tinh cho rằng bên trong sao Thổ có cấu trúc tương tự như của sao Mộc, với một lõi đá cứng bao quanh bởi hiđrô và heli với một lượng nhỏ những hợp chất dễ bay hơi trong khí quyển. Theo đội nghiên cứu, các cơn bão sấm sét trong bầu khí quyển của Sao Mộc và Sao Thổ sẽ tạo ra các hạt carbon. Hạt carbon khi rơi xuống sẽ bị vỡ thành nhiều mảnh do chịu sự ảnh hưởng của áp suất lớn tồn tại trên hai hành tinh và tạo thành những khối kim cương đặc.

Cho đến nay, mưa kim cương vẫn là một hiện tượng bí ẩn đối với các nhà khoa học

Cho đến nay, mưa kim cương vẫn là một hiện tượng bí ẩn đối với các nhà khoa học. Ảnh minh họa

Kim cương có thể trôi nổi theo dòng hydro và hely lỏng sâu dưới tầng khí quyển của Sao Mộc và Sao Thổ. Ở những nơi có độ sâu thấp hơn, kim cương sẽ tan chảy thành dạng lỏng khi chịu sự tác động của áp suất và nhiệt độ, tạo thành những cơn mưa kim cương, VnExpress cho hay.

Các nhà khoa học luôn tin rằng  kim cương rắn có thể tồn tại trong các lõi tương đối lạnh của sao Hải Vương và sao Thiên Vương. Tuy nhiên cho đến bây giờ, Sao Mộc và Sao Thổ vẫn được cho là có nhiệt độ quá cao để có thể cho phép diễn ra sự hình thành kim cương rắn.

Mặc dù, quá trình tạo ra kim cương vẫn còn là một bí ẩn nhưng, trên Trái đất, những viên kim cương hình thành một cách tự nhiên khi carbon nằm ở độ sâu 160 km dưới bề mặt Trái đất. Sau đó, kim cương cần phải được nung nóng đến khoảng 1093 độ C và chịu áp suất khoảng hơn 4 tỷ Pascal. Nó cũng cần phải nhanh chóng di chuyển lên bề mặt Trái đất - thường là đi theo dòng dung nham núi lửa.

Trước đó, các nhà khoa học cho rằng hành tinh 55 Cancri 3, nằm cách hệ Mặt Trời 40 năm ánh sáng với lượng carbon nhiều hơn Trái Đất, cũng là môi trường lý tưởng để hình thành kim cương.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang