Nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đón làn sóng mở cửa của thị trường Trung Quốc

author 19:17 23/01/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến đáng kể trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Điều này là động lực mạnh mẽ để nông dân và doanh nghiệp tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo số liệu thống kê, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 12/2023 đã đạt 408,2 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 11/2023 và tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng vọt 66,7% so với năm 2022.

Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được hỗ trợ bởi các thỏa thuận và nghị định thư ký kết trong năm 2022, giúp tăng trưởng trị giá xuất khẩu lên con số 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022.

Nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Trần Thanh Nam đã chia sẻ thông tin tích cực về việc Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu gia cầm vào thị trường này. Đối với trái cây, việc mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ thủ tục, đặc biệt là trái bơ và trái chanh leo, đang là những cơ hội đáng chờ đợi.

Một điểm đặc biệt là việc thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã giúp định rõ hơn về tiềm năng của sản phẩm trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng, đặc sản của Việt Nam, nhận được đánh giá cao, nhưng cũng cảnh báo về việc cần tập trung vào chất lượng và mẫu mã để không mất đi tiềm năng trước sự cạnh tranh.

Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam đã đề xuất học hỏi từ kinh nghiệm của nông thôn mới và chấn hưng nông thôn của Trung Quốc. Việt Nam có thể nhận thức được những tiến bộ và thành công của đối tác, đồng thời đề xuất việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng ý với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNN), nhấn mạnh về sự quan trọng của việc gắn bó bền chặt và hợp tác lâu dài với Trung Quốc. Nhìn nhận Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông là một mô hình lý tưởng để học hỏi và chia sẻ kiến thức.

Bà Thủy cũng đề xuất việc thành lập một trung tâm nghiên cứu chung giữa hai nước để thúc đẩy trao đổi kiến thức và công nghệ. Việc này có thể giúp tận dụng mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan đề nghị phải sớm hoàn thiện để ký kết 3 Nghị định thư, gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên; Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi; và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chính chúng ta phải nắm bắt được cơ hội kết nối với thị trường Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là thị trường 1,4 tỷ dân mà nếu làm tốt có thể thông qua các kênh thương mại của họ để đưa nông sản đi khắp thế giới. Chúng ta phải hiểu được điều đó để thấy rằng tiềm năng của thị trường Trung Quốc là rất lớn.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan khuyến khích các đơn vị, viện, trường học, và doanh nghiệp tập trung vào việc học hỏi và chuẩn bị thông tin về thị trường Trung Quốc để tận dụng tốt nhất cơ hội mở cửa này. Sự hợp tác và giao lưu với đối tác Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam không chỉ tận dụng mà còn định hình được hình ảnh chất lượng của sản phẩm nông sản trước thị trường quốc tế.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang