Nghe xẩm tàu điện nay nhớ xẩm tàu điện xưa

author 08:51 27/10/2012

(VietQ.vn) - Tối ngày 26/10, chương trình “Xẩm tàu điện- nét văn hóa văn hóa đường phố Hà Thành” đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Vậy là, sau hơn 20 năm vắng bóng, xẩm tàu điện đã trở lại, cùng góp phần khơi gợi hồn cốt văn hóa Hà thành.

Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức nấy xa gần đến mua…

Đó là những câu hát trong bài xẩm “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”. Xưa kia, ở Hà Nội, xẩm chợ Đồng Xuân và xẩm tàu điện là hai hình thức diễn xướng tiêu biểu nhất, chỉ riêng có ở Hà Nội. Riêng với xẩm tàu điện, nhiều người vẫn hiểu nhầm đó là một làn điệu. Thực ra, tên gọi này chỉ đơn giản là sự gắn kết với một phương tiện giao thông công cộng xưa, được nhiều tầng lớp thị dân ưa chuộng vì giá rẻ và rất tiện dụng. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhớ tiếng kêu leng keng của tàu điện mỗi khi đến điểm đỗ đón khách, tiếng hát xẩm trên những bong tàu lúc déo dắt, lúc vui tai, thu hút sự chú ý của bất cứ một hành khách nào khi bước chân lên hành trình đó. Ông Lê Dương Long, một người dân phố Hàng Bè nhớ lại: “ tôi sinh năm 1952. Thuở ấy thơ tôi được đi tàu điện, nghe hát xẩm rất nhiều. Tôi còn nhớ hình ảnh hai ông cháu nhà xẩm thường cõng nhau đi, vừa hát về cuộc đời mình, vừa hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương”.

Chương trình “Xẩm tàu điện- nét văn hóa văn hóa đường phố Hà Thành” đã tái hiện đầy đủ không gian diễn xướng của hình thức hát xẩm này. Mở đầu là tiếng leng keng của tàu điện, sau đó là gia đình nhà xẩm cùng dắt nhau lên một toa xe và hát. Hành trình của tàu điện chỉ vẻn vẹn 5 cửa ô, hết Bờ Hồ, xuống Cầu Giấy, ra Ô chợ dừa, xuống Hà Đông…Còn những ông xẩm, bà xẩm vẫn ngày ngày có mặt ở các điểm đỗ, đón khách và tranh thủ lúc xe chưa chuyển bánh để cầm nhị hồ, miệng hát “Vui nhất Hà thành”, “Mục hạ vô nhân”, “Anh khóa”, “Chân quê”, “Nhị tình”, “Trăng sáng vườn chè”, “Lơ lửng con cá vàng”…

Lời bài hát xẩm dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Đó có thể là những câu thơ của Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải được phổ nhạc theo làn điện xẩm. Đó cũng có thể là một sáng tác bình dân, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, phát động phong trào chống giặc dốt, giặc đói, và chống tham nhũng. Vì thế mà có những bài như: “Tiễu trừ giặc dốt”, “Tiễu trừ tham nhũng”…

Đối với xẩm tàu điện, mọi phương tiện cũng như trang phục, nhạc cụ và cả bài hát của người biểu diễn rất đơn giản. Những nhạc cụ đi kèm xẩm tàu điện thường là nhị hồ và song loan. Trang phục của người hát xẩm trên tàu điện cũng tân thời hơn so với những người hát xẩm chợ. Nam giới chọn quần áo nâu, rét thì khoác thêm chiếc áo veston, đầu đội mũ cát. Nữ mặc áo tối màu, yếm sáng màu, váy lưng lửng nơi đầu gối. Còn đối với những bài hát, nếu xẩm chợ thường dài lê thê, nghe não nùng, thảm thiết thì xẩm tàu điện ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh và cũng rộn ràng hơn.

Biểu diễn xẩm tàu điện.

Cụ trùm Nguyên (Nguyễn Văn Nguyên) cùng với cụ Thân Đức Chinh (Bắc Giang) là hai người có công đầu đưa xẩm lên không gian diễn xướng lý tưởng này. Cũng chỉ Hà Nội mới có xẩm tàu điện. Còn những hình thức hát xẩm khác như: xẩm chợ, xẩm xoan, xẩm cô đầu…đều có ở địa phương khác. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch- một người gắn bó với xẩm nhớ lại: hồi còn là sinh viên, ông thường đi tàu điện từ Ô chợ Dừa ra bờ hồ. Trong một chuyến đi ông đã gặp ông trùm xẩm Nguyên (Nguyễn Văn Nguyên) với giọng hát cao, tiếng nhị hồ trầm, đi khắp hà thành với một cô cháu gái. Chính lần gặp gỡ ấy đã tạo cảm hứng và niềm say mê để sau này khi vào nghề, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch dựng lại thành tác phẩm “Quyết chí tu thân”.

Ông còn cho biết: “Mỗi tàu điện chỉ tối đa có 3 toa nhưng liên tục chuyến đi chuyến về nên luôn luôn có khách mới. Trên tàu điện, tuy tiếng ồn của tàu chạy, tiếng ồn của đông người nhưng tiếng hát xẩm vẫn vang mãi trên những khoang tàu. Những làn điệu đó rất gần với người ta, thậm chí nghe xong có thể thuộc được, tức là nó ngấm ngấm vào lòng người nghe. Nó cứ xuất hiện, lảng vảng, xa xa, gần gần, tình cảm. Thậm chí nó như một điệu dân ca rất dễ thuộc, nhưng lại dứt khoát”.

Chương trình “Xẩm tàu điện- nét văn hóa văn hóa đường phố Hà Thành” như một sự gợi nhớ lại kỉ niệm về một hình thức âm nhạc dân gian đường phố độc nhất vô nhị của Hà thành xừa- xẩm. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan- Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cũng là vị khách mời đặc biệt trong chương trình chia sẻ: “Trước đây chúng tôi đặt được địa điểm diễn xẩm thường xuyên tại chợ Đồng Xuân, ở tuyến phố cổ và được khách tham quan phố cổ nhớ đến chiếu xẩm đó. Người ta không cảm thấy xẩm xa lạ mà xẩm đi vào đời sống của người Hà thành. Chúng tôi mong muốn với có sự đóng góp của những gương mặt mới và cả những người tâm huyết thì muốn duy trì một sân xẩm lâu dài”.

Tại buổi diễn của các nghệ sĩ, rất nhiều khán giả đến nghe hát xẩm. Mặc dù biết, tàu điện nay không còn, xẩm tàu điện theo đó đã mất đi. Nhưng nói như nhà nghiên cứu nghệ thuật Đỗ Bảo thì: "Chúng ta đành phải chấp nhận sự thay đổi của các hình thức này. Không thể đòi hỏi trở lại thập niên 80 với các toa tàu điện nữa. Quan trọng là cốt cách của làn điệu xẩm tàu điện được giữ lại”.

Đúng vậy, cốt cách của làn điệu được giữ lại chính là nhờ những nghệ sĩ tên tuổi như nghệ sĩ Xuân Hoạch (Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam), Văn Ty (Viện Văn hóa dân gian), nhạc sĩ Thao Giang (Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam), Thanh Ngoan (Nhà hát Chèo Việt Nam),… đã có công đưa xẩm trở về với đời sống thường ngày. Nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ: “Nếu chúng ta chỉ lưu giữ trên giấy tờ thì có thể sẽ bị mối mọt ăn mất, nhưng nếu chúng ta gieo nó vào trong lòng khán giả thì nó sẽ còn mãi, không bao giờ mất đi cả”.

Phương Quốc

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang