100 năm rồi, Vũ Trọng Phụng vẫn "sống"

author 12:11 21/10/2012

(VietQ.vn) - Cho đến nay, nếu như tìm xem gương mặt nào, cây bút hiện thực nào mạnh mẽ, quyết liệt và sống động đến tận cùng những mặt trái xã hội như Vũ Trọng Phụng thì câu trả lời cũng là “chưa”.

Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng

“Ông vua phóng sự đất Bắc”

Mỗi người thường có một sở trường và chính sở trường ấy nâng tầm cây bút. Tam Lang Nguyễn Đình Chí đã xâm nhập vào cuộc sống của những phu kéo xe để viết “Tôi kéo xe”, Nguyễn Đình Lạp đến với những góc hẻm ngoại ô viết về đời sống nghèo khổ tận cùng của người lao động và có được “Ngoại ô”, Ngô Tất Tố đã có “Việc làng”. Và cũng chẳng mấy ai được như Vũ Trọng Phụng lại bao trọn trong ngòi bút của mình bức tranh tổng quan về mọi ngóc ngách xã hội. Chỉ với một cây bút mà ông dám đối mặt với bốn phía bủa vây là cái ác, cái xấu, những kẻ có tiền, có quyền ban họa phúc cho cả thiên hạ.

Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc” mặc dù sự nghiệp viết của ông chỉ vẻn vẹn 10 năm. Cuối năm 1929 và 1930 là những truyện ngắn đầu tiên. Năm 1936 ghi nhận độ chín về nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng khi ông liên tục cho ra đời 4 tiểu thuyết: “Giông tố”, “Số

Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

đỏ”, “Làm đĩ”, “Vỡ đê”… và 3 phóng sự “Cơm thầy cơm cô”, "Dân biểu dân biểu”, “Vẽ nhọ bôi hề”. Trong đó có 2 tiểu thuyết xuất sắc nhất là “Giông tố” và “Số đỏ” được nằm trong số hiếm hoi của thời kì văn học 1932-1945. 24 tuổi và những khái quát cuộc sống cùng tiếng cười vỗ mặt vào xã hội. Trong tiếng chửi và những lời phê phán của văn học hiện thực phê phán trước năm 1945 có Vũ Trọng Phụng với tiếng chửi sắc lạnh nhất, quyết liệt nhất.

Một trong những tiểu thuyết nổi tiếng phải kể đến là “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, nó có thể so sánh với “Chí phèo” của Nam Cao. Nam Cao và Vũ Trọng Phụng đã tạo ra hai điển hình đi suốt thế kỉ và những tệ bệnh xã hội, những thói hư tật xấu của con người. Nó không phải là của trước 1945, cũng không của làng Vũ Đại mà nó có khắp nơi bây giờ.

Những điển hình tuyệt vời

Giáo sư Phong Lê nhận định: “Những thành công trong xây dựng hình ảnh “muôn thuở” là Xuân tóc đỏ, Nghị Hách, Min Đơ, Min Toa, bà Phó Đoan, Em chã… đã đưa tên tuổi Vũ Trọng Phụng luôn được nhắc đến cho tới nay: “Vũ Trọng Phụng để lại những điển hình tuyệt vời. Nếu có một điển hình phản diện trước 45, nhiều vẻ, nhiều quan hệ là Nghị Hách và đệ nhất điển hình là Xuân Tóc đỏ. Và chẳng phải riêng Xuân tóc đỏ đâu, những điển hình chỉ thoáng thoáng một tý vẫn sống đời. Chẳng hạn như bà Phó Đoan, Em chã…”.

50 năm sau ngày mất của ông (1939 - 1989) tất cả những gì được coi là tệ nạn, hoặc ung nhọt xã hội qua khảo sát của Vũ Trọng Phụng như cờ bạc, hút xách, mãi dâm, buôn người… đã lùi sâu vào lịch sử ngót một thế kỉ nay bỗng trở lại gần như nguyên vẹn hiện thực. Và cũng không ngạc nhiên khi “Số đỏ”, Giông tố”, “Cơm thầy cơm cô” được chuyển thể vào điện ảnh, “Làm đĩ” được tái hiện trên sân khấu kịch mà không một buổi diễn nào không cháy vé…

Tiến sĩ Nguyên Đăng Điệp - Viện trưởng Viện văn học Việt Nam, nhận định: “Việc chuyển thể những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên sân khấu là quá trình tất yếu, dài lâu. Bởi vì, văn của ông cũng đầy tính kịch, đầy xung đột và có khả năng tạo nên sự bùng nổ của hàng chuỗi tiếng cười”. Tất nhiên, việc chuyển tải các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên sân khấu cũng là cả vấn đề đặt ra đối với những nhà đạo diễn, những người làm nghề.

Tiến sĩ Nguyên Đăng Điệp cho biết thêm: “Vấn đề đặt ra là mỗi một nhà đạo diễn, mỗi một người chuyển thể kịch bản tìm ra trong đó đâu là yếu tố mình cần khai thác, đâu là những ý tưởng của đạo diễn trên nền của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng để tạo nên sự cộng hưởng giữa tác giả văn học, tác giả kịch bản và đạo diễn trên sân khấu. Tôi nghĩ một khi tạo nên được điều đó thì chắc chắn Vũ Trọng Phụng sẽ nối dài ảnh hưởng của ông đến đời sống Việt Nam đương đại”.

Mong lắm sự quan tâm từ Nhà nước

Sau khi ông mất, người ta đã ghi nhận giá trị các tác phẩm của ông. Con cháu và những người mến mộ cũng mong lắm sự quan tâm từ phía Nhà nước để gìn giữ nơi ông đang an nghỉ tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội. Đến đây mới biết bao lâu nay con cháu trong gia đình vẫn mong nhà nước cho 3 chữ “Cấm vi phạm” để bảo toàn ngôi mộ cũng như những kỉ niệm mà Vũ Trọng Phụng để lại cho đời sau. Ngôi mộ ông đã phải di dời 4 lần bởi chiến tranh và những dự án xây dựng.

Ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng, bày tỏ nguyện vọng: chỉ là xin giấy chứng nhận xin được cho khu tưởng niệm Vũ Trọng Phụng thành Di tích Nhà nước với mong muốn gìn giữ, lỡ con cháu hư hỏng thì không có cớ gì được nhòm ngó chia chác khu linh thiêng này: Trước mắt, tìm mọi cách nào đó giúp tôi giữ gìn di sản của ông, thứ hai là nắm xương của ông, để lấy chỗ đời đời tưởng nhớ. Hiện nay nhiều nhà văn quá cố rồi, nhiều người được làm nhà tưởng niệm nhưng nơi đó bị xuống cấp ghê ghớm. Tôi muốn được nhà nước công nhận và do cá nhân, gia đình họ hơn là không có người trông nom, không có sự quản lý cụ thể thì không thể nào làm tốt được.

Ngày mai 22/10, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông (20/10/1912-20/10/2012). Những độc giả mến mộ sẽ có dịp nhìn nhận lại những thành tựu sáng tác “để đời” của ông - những di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại.

Giáo sư Phong Lê nhận định: “Bất chấp tuổi đời quá ngắn ngủi trong nghèo túng, bệnh tật; vượt qua khỏi giới hạn lịch sử, văn phẩm Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỉ bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội; bởi sự soi sáng vấn đề lớn của dân tộc và số phận nhân dân, trên một hành trình dài hướng tới sự thật, gắn bó với sự thật, không có gì khác ngoài sự thật, ngoài chân lý nhằm mục tiêu nhân đạo hóa hoàn cảnh và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội”.

Phương Quốc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang