Nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều

author 16:29 28/07/2023

(VietQ.vn) - Vinacas đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2023, tổng diện tích trồng điều cả nước đạt khoảng 320.000 ha, giảm 2.300 ha so với năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến đạt 345.000 tấn, tăng 3.300 tấn. Năng suất bình quân đạt 1,15 tấn/ha, tăng 30 kg/ha.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,44 triệu tấn điều thô, trị giá khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 19,79% về lượng và tăng 5,16% về giá trị. Hiện lượng điều nguyên liệu của các doanh nghiệp cơ bản đủ cho sản xuất đến hết năm nay và quý I/2024.

Cũng trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 279.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá.

Như vậy, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhân điều tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, duy trì tăng trưởng dương và thuộc nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam.

Nhận định về thị trường điều và một số loại hạt (hạnh nhân, dẻ cười, óc chó, mắc ca…) cạnh tranh với điều, theo Vinacas, giai đoạn 2023-2024, tiêu thụ các loại hạt trên phạm vi toàn cầu có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng thu hoạch hầu hết các loại hạt nhìn chung ổn định.

Từ nay đến cuối năm, Vinacas cho rằng ngành hạt tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phần lớn đến từ khách quan, như: Giá nguyên liệu giảm; cuộc xung đột giữa tại Ukraine; lạm phát vẫn cao cùng chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước… khiến sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp.

Vinacas đưa ra 2 kịch bản của ngành trong nửa cuối năm và quý I/2024. Ở kịch bản thuận lợi, việc kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ giúp giảm lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, châu Âu, qua đó sẽ đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm.

Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm soát chất lượng của các thị trường trọng điểm sẽ làm cho điều thành phẩm giá thấp, chất lượng kém sẽ khó tiếp cận các thị trường này. Từ đó, góp phần ổn định giá và chất lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam.

Trường hợp không thuận lợi khi kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, hạt điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm. Điều này khiến các nhà nhập khẩu ở các thị trường sẽ chưa vội mua điều nhân cho đến khi có sự gia tăng nhu cầu trở lại.

Theo kế hoạch mới nhất của Vinacas, nếu giá điều thô tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm tiếp từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 3,05 tỷ USD (giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó).

Ảnh minh hoạ

Kiến nghị 9 giải pháp

Căn cứ tình hình hiện nay và dự báo cho thời gian tới, Vinacas kiến nghị một số giải pháp. Một là, với thị trường hiện nay và dự báo cho thời gian tới, Vinacas đề nghị các bộ, ngành chức năng xem xét ban hành cơ chế, chính sách nhập khẩu phù hợp để đảm bảo công bằng. Vinacas đã gửi văn bản đề nghị có biện pháp phù hợp, khẩn cấp để ngăn chặn việc gia tăng nhập khẩu nhân điều về Việt Nam,…

Hai là, đề nghị các bộ ngành và chính quyền địa phương tạo các điều thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt là về tín dụng ngân hàng, các chính sách thuế và hải quan.

Ba là, Vinacas cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để xuất khẩu các sản phẩm điều, như giá nhân điều cạnh tranh, chất lượng tốt và thị trường tiêu thụ lớn. Để đẩy mạnh xuất khẩu điều, cần tập trung vào việc tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam.

Bên cạnh đó, về tăng cường quảng bá sản phẩm điều Việt Nam đến người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm như EVFTA và CCTPP, đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế của ngành từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024.

 Hạt điều Việt Nam đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn.

Bốn là, đề nghị Bộ Công Thương có các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, cải tiết công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế như BRC, Smeta, HCCP,…

Năm là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan và đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều, hồ tiêu và gia vị có liên quan bị đối tác nước ngoài lừa đảo thời gian gần đây. Hỗ trợ các doanh nghiệp bị đối tác tại Italia lừa lấy lại tiền đặt cọc cho các hãng tàu,…

Sáu là, đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ NN&PTNT hỗ trợ xử lý dứt điểm vướng mắc về chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử (e-Phyto) của Bờ Biển Ngà và các quốc gia khác; chỉ đạo các Chi cục Kiểm dịch vùng tăng cường nhân lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình lấy mẫu, kiểm hóa tại kho thay cho tại cảng trong ngày thường và ngày cuối tuần, góp phần giải phóng hàng hóa nhanh tại cảng.

Bảy là, đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều; đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ.

Tám là, đề nghị Bộ NN&PTNT tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, đề nghị giải pháp hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu tại Campuchia và Nam Lào.

Chín là, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều khi gặp khó khăn.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang