Ngọt bùi củ ấu đặc sắc thu

author 06:46 05/09/2014

(VietQ.vn) – Vỏ ngoài đen đúa, xấu xí nhưng phần thịt trắng mịn bên trong với vị thơm bùi đặc trưng, củ ấu trở thành thức quà vặt được ưa chuộng ở Hà Thành độ thu về.

Mùa ấu không kéo dài như nhiều loại của quả khác nhưng lại rất đặc trưng đủ để người ta nhớ đến, đó là khi tiết trời đã se lạnh, đặc sắc thu cho đến tận tháng 9 âm lịch, ấu đã xuất hiện trên gánh hàng rong của các bà, các mẹ ở các phố phường Hà Nội.

Củ ấu - thức quà vặt dân giã mùa thu. Ảnh minh họa

Củ ấu - thức quà vặt dân giã mùa thu. Ảnh minh họa

Trước đây, ấu thường mọc hoang ở các vùng ao, hồ, đầm lầy, vùng trũng thuộc họ nhà sen, lũ trẻ ở các vùng quê thường lấy gạch đập vỏ ấu ra và ăn sống, với các bà, các mẹ thì tỉ mỉ, cẩn thận hơn, đem về và luộc chín chỉ khoảng nửa tiếng là có ấu ngon để thưởng thức. Luộc ấu cũng giống như luộc khoai, sắn, nếu luộc cho đến khi chín đủ độ thì củ ấu ăn ngon, ngọt và bở, luộc không kỹ sẽ dễ bị sượng, còn luộc quá kỹ lại dễ bị nhão.

Luộc củ ấu phải luộc đúng độ để cảm nhận vị ngọt bùi từ nhiên của nó. Ảnh minh họa

Luộc củ ấu phải luộc đúng độ để cảm nhận vị ngọt bùi từ nhiên của nó. Ảnh minh họa

Ăn củ ấu thường bằng cách dùng răng để cắn hoặc dùng dao để tách, khi ăn phải chú ý đến gai ấu để không bị đâm vào lưỡi. Củ ấu già có vị bùi bùi, ăn không phải để no mà thường là để thưởng thức. Ăn chậm rãi, vừa ăn vừa nhâm nhi mới thấy hết vị ngon tự nhiên của đất trời.

Dân gian xưa có câu “Thân em như củ ấu gai – Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen” đủ để thấy củ ấu gắn bó với người nông dân xưa đến thế nào, nó như chính những người nông dân vẻ ngoài chân lấm tay bùn nhưng tâm hồn thuần hậu, thật thà, chất phác.

Củ ấu ngoài cách luộc để ăn vặt người ta còn dùng củ ấu để nấu các món ăn mặn có hàm lượng dinh dưỡng cao khi kết hợp với các nguyên liệu khác như thịt lợn, giò lợn, hành tươi, gừng… Hoặc các món ăn ngọt như chè sương sa hạt lựu với củ ấu, hạt sen ăn rất ngon mà lại lạ miệng.

Củ ấu còn được kết hợp với các nguyên liệu khác để làm thành món ăn mặn. Ảnh minh họa

Củ ấu còn được kết hợp với các nguyên liệu khác để làm thành món ăn mặn. Ảnh minh họa

Không chỉ là món ăn dân giã, củ ấu còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả bằng các bài thuốc dân gian. Theo Đông Y, củ ấu tươi vị ngọt, mát, ăn sống có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền, tiêu khát, giải rượu; ăn chín có công hiệu ích khí, kiện tỳ. Tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều, sẽ dễ dẫn đến đầy hơi, khó chịu, trướng bụng.

Không đẹp đẽ vẻ bề ngoài, lại không có hương vị cao sang, nhưng củ ấu với hương vị ngọt bùi nguyên sơ vẫn gây “nghiện” cho thực khách mỗi độ thu về khi thèm chút hương quê, chút quà quê dân giã.

Cao Huyền


 


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang