Người khó tính là "hàng hiếm"

author 10:41 17/10/2012

(VietQ.vn) - Thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay tự cho phép mình không hoàn hảo để có thể được hướng dẫn, học hỏi từ người đi trước; nhưng họ sẽ phải loay hoay để có được lý tưởng, vốn là thứ mà các bậc tiền bối khi đã tin thì không bao giờ bỏ cuộc.

Muôn kiểu học

10 năm học tập ở Singapore đã khiến cho Lê Nguyễn Tuấn Minh - Giám đốc Công ty Mai xá, sở hữu chuỗi nhà hàng Nhật Kobe (TP.HCM) có tính cách rất "tây", thiên về lý trí hơn tình cảm. Một phong cách khác hẳn so với người cha của anh, ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền, mà tôi đã từng tiếp xúc.

Lý do khiến Minh không nối nghiệp cha vì anh không thích hoạt động trong lĩnh vực phân bón; thích tự lập và muốn làm việc trong môi trường năng động; và vì thấy cha mình đã có nhiều trợ thủ giỏi.

Song cách kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn khác với nước ngoài. Và những gì anh cho là điểm mạnh của bản thân lại chính là điểm yếu khi trở về Việt Nam kinh doanh. Điều anh phải học từ người cha của mình chính là một người lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam không chỉ có tài mà phải có tâm. “Nguyên nhân để nhiều nhân viên gắn bó với cha tôi trong suốt 20 năm qua là do ông không chỉ quan tâm đến công việc mà còn với cả cấp dưới”, anh nói và cho biết thêm, ngoài học cách đối nhân xử thế với nhân viên, anh còn học ở cha mình cách làm từ thiện mà không vì đánh bóng tên tuổi.

Cũng từng du học và làm việc ở Singapore 7 năm, nhưng về nước lại không có nhiều sự lựa chọn như Minh, Trịnh Trí Cường ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến một cách bất đắc dĩ ở tuổi 26 vì người cha – ông Trịnh Đồng, bất ngờ bị bênh ở tuổi ngoài 50. Nhưng Cường đã từng bước khẳng định vị trí trong công ty, với lối điều hành kinh doanh không giống người cha của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi lên nắm quyền điều hành, Cường đã tiến hành một số thay đổi quan trọng về marketing, lập phòng nghiên cứu R&D và trẻ hóa đội ngũ quản lý. Năm 2011, dù kinh tế khó khăn nhưng công ty anh vẫn đạt doanh thu 900 tỷ đồng, trong đó hàng xuất khẩu chiếm 10%.

Chia sẻ về chiến lược dài hạn của Đại Đồng Tiến, Cường cho biết sẽ trung thành với mô hình công ty gia đình nhưng được quản lý một cách chuyên nghiệp và hiện đại để tham gia quá trình hội nhập. Vậy nên kiến thức và kinh nghiệm của hai thế hệ quản lý truyền thống và hiện đại sẽ phải được hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Có làm được như vậy, Cường mới đưa tên tuổi công ty ra thị trường thế giới được. Nếu như các bậc tiền bối thường bằng lòng với thị trường nội địa thì Cường sẽ mang đến sự mới mẻ với tư duy hướng ngoại trong kinh doanh. Đây là một thách thức lớn nhưng Cường tự cho phép mình không hoàn hảo để để có thể được hướng dẫn, học hỏi từ người đi trước.

Một trường hợp khác, anh Nguyễn Ngọc Điệp - Tổng Giám đốc Vatgia.com, một doanh nhân trẻ đang nổi lên trong lĩnh vực kinh doanh website thương mại điện tử. Điệp không nhận mình là số 1 Việt Nam vì tâm lý đó sẽ “cướp” mất của anh khát vọng đua tranh, phấn đấu trở thành người dẫn đầu. Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, Điệp đã từng đốt sạch số tiền mình có trong một năm và sau đó phải nhờ vào bạn bè, các quỹ đầu tư và tiền cho thuê nhà để duy trì hoạt động của công ty. “Nhưng tôi không nghĩ đó là thất bại và đến giờ cũng chưa bao giờ nghĩ mình thất bại. Tin là mình thất bại và mất đi niềm tin thì mình sẽ không tiếp tục cố gắng được nữa và khi tin mình thành công thì mọi thứ còn nguy hiểm hơn”, anh tâm sự.

Vậy nên, từ một công ty bên bờ vực phá sản, đến nay anh đã đưa vật giá trở thành công ty có giá trị tới gần 100 triệu USD, doanh thu 20-30 triệu USD/tháng.

Thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay tự cho phép mình không hoàn hảo để có thể được hướng dẫn, học hỏi từ người đi trước. Ảnh: internet

Trong tương lai, tham vọng của anh là muốn Vatgia.com trở thành một công ty như Amazon, eBay, Google. Để làm được điều đó, anh vẫn làm việc 14 tiếng mỗi ngày và duy trì thói quen mỗi ngày đọc 1 cuốn sách về các công ty vĩ đại trên thế giới, về nghệ thuật dùng người và giữ người. “Vatgia là thương hiệu thuần Việt do chính tôi xây dựng và tôi sẽ thúc đẩy phát triển thương hiệu này bằng cách học cách đứng trên vai người khổng lồ, học mỗi người một ít”, Điệp nói.

Với Điệp, khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Vatgia.com mà bị rào cản về quy định pháp lý cứng nhắc, không phù hợp với sự phát triển nhanh của doanh nghiệp hoặc quá lỏng lẻo, khiến cho các hình thức núp bóng thương mại điện tử hoạt động, gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.

Như vậy, dù cách này hay cách khác, được đào tạo bài bản ở trong hay ngoài nước, khi những người trẻ đã bước vào kinh doanh, cuộc chiến thương trường thật sự thì họ tự ý thức được họ sẽ phải học cái gì, học ra sao để vừa có thể định vị tốt ở thị trường trong nước và tiến tới vươn ra thị trường thế giới giống như các bậc tiền bối của mình đã làm.

Nhưng vẫn chưa đủ

Những gì thế hệ doanh nhân trẻ đã và đang thể hiện khiến các bậc tiền bối vui mừng nhưng không khỏi trăn trở, suy nghĩ…

Bởi lẽ, sau một thời gian dài đương đầu với khủng hoảng, các doanh nghiệp đã bị bào mòn nhiều về năng lực cạnh tranh, trong khi phải tiếp tục đương đầu với khó khăn phía trước. Và điều khiến họ không yên tâm là năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm quản trị điều hành, kinh nghiệm thương trường của các doanh nhân trẻ vào thời điểm này còn non, dù học hành bài bản.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT, tỏ ra hoài nghi về nhận định rằng sự bài bản và chuyên nghiệp của thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay trong học tập sẽ tạo ra các giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống, cho công việc kinh doanh. Có chăng chỉ là các nền văn hóa đang xích lại gần nhau hơn, thông tin nhiều hơn làm cho thế giới phẳng hơn. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt về giá trị của cuộc sống là tư duy sáng tạo, mà dường như doanh nhân ngày nay ít người rèn luyện, suy nghĩ đến tận cùng của vấn đề.

“Thế hệ kế tiếp này thích có sẵn những công cụ, vay mượn, sao chép các giá trị tư duy của người khác và dễ thỏa hiệp hơn thế hệ trước rất nhiều. Vì thế trong từng doanh nghiệp, từng đối tác ngày nay tại Việt Nam, tôi trân trọng những người khó tính, những người luôn cố gắng đặt niềm tin vào sự khác biệt. Họ thật sự là hàng “hiếm”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, thế hệ đi trước từ trong chiến tranh đến những năm tháng đói nghèo, đã không khó lắm khi lựa chọn lý tưởng sống vì họ không có nhiều chọn lựa. Nhưng thế hệ doanh nhân hiện nay, dù học hành bài bản sẽ phải loay hoay nhiều hơn để biết thật sự mình muốn gì? sống vì cái gì? phục vụ cho ai?... và xa hơn nữa là chọn cho mình một triết lý sống, một trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng xã hội.

Anh Hoa
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang