Người Việt với kế hoạch chiếm lĩnh vũ trụ
Nhân dịp Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chính thức được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, phóng viên trao đổi với PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia, về công tác chuẩn bị tiếp nhận, vận hành trung tâm này.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Nhật Bắc |
- Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là một trong những dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn. Ông có thể nói rõ hơn về quá trình hình thành, chuẩn bị dự án?
Để có thể khởi công được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ngày hôm nay trước tiên phải kể đến sự quan tâm, ủng hộ và vai trò đặc biệt quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2008, ngay khi Viện Khoa học Việt Nam đề xuất dự án, Chính phủ đã xem xét và ủng hộ chủ trương. Không lâu sau đó, trong các chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã nhiều lần đề xuất dự án này với Chính phủ Nhật Bản. Xin được nhấn mạnh lại là đây là dự án hết sức đặc biệt, ở lĩnh vực công nghệ cao nhưng lại dùng vốn ODA.
Tháng 9/2009 trong chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức đề nghị với Thủ tướng Nhật Bản về dự án này. Tháng 5/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm trung tâm vũ trụ Nhật Bản, khảo sát mô hình, hoạt động của trung tâm này.
Tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án. Tiếp sau đó là hàng loạt các cuộc tiếp xúc, làm việc giữa cơ quan hữu quan của hai bên.
Ở trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc, nhanh chóng để đưa dự án vào danh sách ưu tiên vận động ODA.
Chế tạo vệ tinh
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ thực hiện những nhiệm vụ nào, thưa ông?
Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược Công nghệ Vũ trụ Việt Nam đến năm 2020 là vào thời điểm đó, chúng ta sẽ hoàn toàn tự chủ trong việc chế tạo vệ tinh nhỏ, quan sát trái đất. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Chỉ khi đầu tư đồng bộ như thế này chúng ta mới có thể tự thiết kế, chế tạo vệ tinh được. Khi chúng ta có vệ tinh, chúng ta sẽ chủ động mọi việc, sẽ ứng dụng ảnh vệ tinh vào các lĩnh vực đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Vệ tinh. Ảnh: satimagingcorp |
Mục tiêu thứ hai của Trung tâm là xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện nay muốn chụp ảnh khu vực nào chúng ta phải đặt hàng, sau đó ít nhất hơn 2 ngày mới nhận được. Còn nếu chúng ta có vệ tinh, mọi việc sẽ được hoàn tất trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Chẳng hạn như việc cảnh báo thiên tai, phòng chống lũ. Nếu có ảnh vệ tinh một cách chủ động, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại so với hiện nay. Hay như công tác quy hoạch, việc chụp ảnh vệ tinh là hết sức cần thiết, liên tục, với số lượng lớn nhưng hiện nay vì không có kinh phí nên chúng ta vẫn chưa thực hiện được, do vậy, không thể tránh khỏi sự thiếu đồng bộ, quy hoạch không sát với thực tế.
Mục tiêu thứ ba của dự án là đào tạo được đội ngũ chuyên nghiệp, am hiểu tận gốc về các công nghệ cần thiết. Sắp tới chúng tôi sẽ cử hơn 70 cán bộ sang Nhật Bản để đào tạo một cách chính quy về Công nghệ Vệ tinh và Ứng dụng Công nghệ Vệ tinh. Trong quá trình chuẩn bị dự án, chúng tôi luôn đặt trọng tâm vào sự đồng bộ giữa 3 khâu kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực.
Chúng ta có tham vọng nào xa hơn trong tương lai, thưa ông?
Tham vọng của chúng ta trong tương lai là chủ động được hoàn toàn về mọi khâu trong việc thiết kế, chế tạo, điều khiển vận hành vệ tinh.
Trong dự án này, có nội dung thiết kế chế tạo 2 vệ tinh, trong đó vệ tinh thứ 2 sẽ được thiết kế, tích hợp, thử nghiệm tại Việt Nam. Từ đấy khi đã làm chủ công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những dự án tiếp theo với những vệ tinh được thiết kế, chế tạo, lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam.
Trong tương lai, trung tâm này hoàn toàn có thể kết hợp với các trung tâm của Nhật Bản để hình thành một chuỗi liên hoàn từ đào tạo, cung cấp giải pháp công nghệ, thiết kế, lắp ráp, vận hành và chia sẻ tài nguyên cho các nước trong khu vực.
Nếu so sánh về quy mô và trình độ công nghệ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với các nước xung quanh thì chúng ta đứng ở đâu, thưa ông?
Có thể nói, tham vọng làm chủ không gian phục vụ cho phát triển là của tất cả các Quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên với việc được đầu tư một cách đồng bộ, bài bản, đến năm 2020 chúng ta sẽ sở hữu một trung tâm vũ trụ hàng đầu Đông Nam Á. Các nước trong khu vực đều đã đầu tư, nhưng bước đi của chúng ta là bài bản và đồng bộ. Chẳng hạn như Thái Lan phát triển mạnh về ứng dụng,
Tập trung đào tạo nhân lực
Hiện tại việc giải ngân các dự án ODA cũng đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vốn đối ứng, công tác giải phóng mặt bằng... Theo ông cần có những biện pháp gì để đảm bảo Trung tâm Vũ trụ Việt
- Với dự án này vốn đối ứng khoảng hơn 10%, chủ yếu để giải phóng mặt bằng, xây dựng các khối nhà không gắn với công nghệ như nhà ăn, nhà hội thảo, thư viện...
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, chúng tôi cũng đang tích cực kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để ưu tiên giải ngân vốn đối ứng cho dự án, bởi nếu không chúng ta sẽ bị chậm, không đồng bộ với các hạng mục xây dựng khác do Nhật Bản đầu tư.
Đối với các khối nhà gắn với công nghệ, phía Nhật đã cam kết chắc chắn sẽ hoàn thành đúng tiến độ bởi hai bên đã thống nhất các mốc thời gian cụ thể cho việc thiết kế, chế tạo hai quả vệ tinh.
Hai bên đã cam kết năm 2016 sẽ hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, chuẩn bị thiết bị, công nghệ để đầu năm 2017 sẽ phóng vệ tinh đầu tiên. Vệ tinh này sẽ được thiết kế, chế tạo, lắp ráp tại Nhật Bản.
Sau đó, giai đoạn hai sẽ là thiết kế, cải tiến vệ tinh thứ hai. Vệ tinh này sẽ được thiết kế, lắp ráp tại Việt Nam, ngay tại trung tâm này. Cuối năm 2020, vệ tinh này sẽ được hoàn thiện để phóng lên quỹ đạo.
Chúng ta đã và sẽ có những giải pháp gì để sử dụng hiệu quả vốn trong giai đoạn đầu tư, vận hành hiệu quả, phát huy tối đa công nghệ, thiết bị trong thời gian tới?
Đến thời điểm này có thể nói vốn không phải là vấn đề quan trọng nhất nữa. Với cam kết mạnh mẽ của hai Chính phủ, tôi tin chắc dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ.
Về công nghệ chúng ta cũng đã xác định được một cách rõ ràng hướng đi, đối tác chính. Vấn đề theo tôi lúc này là con người.
Bên cạnh việc gửi cán bộ giỏi đi đào tạo ở nước ngoài, trong nước chúng tôi cũng đã ký kết các chương trình đào tạo với trường Đại học Quốc tế Việt Pháp để đào tạo trình độ cao học, ngay năm nay đã bắt đầu tuyển sinh. Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội, sẽ đảm nhiệm việc đào tạo kỹ sư. Để phát triển lâu dài, trong thời gian tới Viện Khoa học Việt Nam sẽ xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Liệu chúng ta đã có thể sẵn sàng quản lý, vận hành, khai thác Trung tâm Vũ trụ Việt
-Những bước chuẩn bị về con người của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Năm nay chúng tôi đã có có 24 cán bộ được cử đi học đào tạo ngắn hạn về quản lý dự án. Trong 3 năm tới sẽ có tổng khoảng 36 kỹ sư được đào tạo trình độ cao học về khoa học vệ tinh tại 5 trường Đại học của Nhật Bản và 32 kỹ sư học về ứng dụng công nghệ vệ tinh. Công tác tuyển chọn đã được thực hiện trong thời gian qua. Sau khi học tập cơ bản ở trường Đại học, các kỹ sư của Việt Nam sẽ được làm việc trực tiếp tại các trung tâm vũ trụ, các doanh nghiệp chế tạo vệ tinh để thực hành việc thiết kế, chế tạo vệ tinh và ứng dụng công nghệ vệ tinh.
Tôi khẳng định là chúng ta hoàn toàn đủ tự tin và trình độ để quản lý vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ngay khi xây dựng xong.