Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Tin tưởng vào sức mạnh trí tuệ và khát vọng cống hiến của đội ngũ nhà khoa học và công nghệ Việt Nam

author 13:06 14/05/2024

(VietQ.vn) - Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong giữ trọng trách đứng đầu ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) hai nhiệm kỳ (từ tháng 8/2002 đến tháng 8/2011). Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành KH&CN, ông đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc của Tạp chí về vai trò của KH&CN và những chính sách nền móng hình thành nền tảng pháp lý cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cùng những cảm xúc sau nhiều năm gắn bó với ngành KH&CN nói chung và gần một thập kỷ gắn bó với Bộ KH&CN nói riêng.

Ngành KH&CN đã đi được chặng đường 65 năm, theo ông, trong thời gian qua, ngành KH&CN đã thể hiện vai trò như thế nào trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước?

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Sắc lệnh của Chủ tịch Nước năm 1959 thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước (tổ chức tiền thân của Bộ KH&CN ngày nay) đã đặt dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của nền KH&CN nước nhà. KH&CN chính thức trở thành một ngành có vai trò, vị trí thiết yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ủy ban Khoa học Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng phương hướng phát triển nền khoa học và kỹ thuật non trẻ của đất nước, hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức, cơ quan nghiên cứu từ trung ương đến địa phương, chăm lo gây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo mọi hoạt động nghiên cứu phải hướng tới giải quyết các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đất nước, phục vụ sản xuất, dân sinh và quốc phòng.

Đất nước, nhân dân đã ghi nhận những đóng góp to lớn và thiết thực của ngành khoa học nói chung, của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nói riêng. Các công trình nghiên cứu tạo giống và các giải pháp kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước với những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn đã đảm bảo ở mức tối đa nhu cầu lương thực, thực phẩm của quân dân miền Bắc và một phần chi viện đáng kể cho chiến trường miền Nam.

Những công trình nghiên cứu về sốt rét, lây nhiễm, da liễu, ngoại khoa đã phục vụ kịp thời việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội. Các giải pháp kỹ thuật quân sự tạo nhiễu và phá nhiễu ra đa, cải tiến tên lửa phòng không, rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường trên cảng biển đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những luận cứ khoa học vững chắc và các giải pháp kỹ thuật sáng tạo do tập thể các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học đề xuất đã trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Lãnh đạo Đảng, Chính phủ quyết định nhiều công trình mang tính lịch sử như dự án cải tạo vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, đưa khu vực này trở thành “vựa lúa” quốc gia; hay dự án đường dây 500 KV Bắc-Nam đã tạo ra mạng lưới năng lượng huyết mạch, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Các dự án nghiên cứu, chế tạo thiết bị thủy lực, thiết bị siêu trường, siêu trọng, làm chủ công nghệ bê tông đầm lăn của đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư, công trình sư và quản lý doanh nghiệp đã đóng góp vai trò quyết định, đưa các công trình thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu sớm đi vào hoạt động, cung cấp kịp thời và hiệu quả nguồn điện năng phục vụ sản xuất cho hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hàng triệu người dân.

Có thể kể tên rất nhiều thành quả nổi bật khác mà KH&CN đã đóng góp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như y tế, giao thông, xây dựng cũng như các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, thông tin và viễn thông. Đó là niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt vào trí tuệ, khát vọng của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ Việt Nam cũng như quyết tâm chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong. (Ảnh: Khoa học & Phát triển).

Nhìn lại gần một thập kỷ giữ trọng trách là người đứng đầu, dẫn dắt sự phát triển của ngành KH&CN nước nhà, theo ông, những chính sách và chiến lược nào đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển của ngành KH&CN Việt Nam?

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Theo tôi, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất trong việc đề ra các cơ chế, chính sách phát triển đối với mọi lĩnh vực, mọi ngành trong đó có ngành KH&CN.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 đã tạo tiền đề cho quá trình xây dựng nền tảng pháp lý thúc đẩy hoạt động KH&CN nói chung và hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói riêng.

Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng vào năm 2004 và ban hành năm 2005, cùng với Luật Thuế và Luật Hải quan, có vai trò quyết định kết thúc quá trình đàm phán lâu dài, đầy cam go với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007. Một đóng góp quan trọng khác của Luật Sở hữu trí tuệ là đưa ra chính sách quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ đối với nhiều đối tượng từ sở hữu công nghiệp, giống cây trồng cho đến quyền tác giả và các quyền liên quan. Việc thực thi chính sách này trở nên hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp, kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo.

Hai đạo luật về chuyển giao công nghệ (thực chất là đổi mới công nghệ) và công nghệ cao được xây dựng và ban hành vào các năm 2006 và 2008 chứa đựng nhiều chính sách, cơ chế vượt trội; một mặt khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành đổi mới, nâng cao trình độ và năng lực công nghệ nhằm thúc đẩy năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; mặt khác, góp phần thu hút đáng kể các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Các đạo luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (2006) và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007) khẳng định một bước đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý nhà nước dựa trên KH&CN. Nhà nước chịu trách nhiệm, đảm bảo quản lý chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm, hàng hóa bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; công bố các tiêu chuẩn quốc gia tự nguyện áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được quyền công bố tiêu chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa của mình theo định hướng của thị trường nhưng không thấp hơn quy chuẩn bắt buộc. Các chính sách thừa nhận cơ chế hợp chuẩn, quy tắc truy xuất nguồn gốc đã góp phần thúc đẩy quá trình giao thương hàng hóa trong nước và quốc tế, đưa cán cân thương mại của Việt Nam với thế giới tăng vài chục lần trong 15 năm qua.

Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 là đạo luật chuyên ngành sâu có giá trị khởi nguồn cho việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đồng thời thúc đẩy ứng dụng có hiệu quả năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế. Luật khẳng định Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, chống phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Như vậy, có thể coi giai đoạn 2001-2011 về cơ bản chúng ta đã hình thành được một nền tảng pháp lý toàn diện cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện thành công nhiệm vụ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về KH&CN bằng các đạo luật chuyên ngành trong các lĩnh vực có liên quan, được cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội thông qua.

Khi đã hình thành được nền tảng pháp lý, điều quan trọng tiếp theo là phải có cơ chế, chính sách đưa các quy định pháp luật đi vào thực tiễn. Để làm được điều đó, tại Đề án Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2004, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng các chính sách về phát triển tiềm lực KH&CN, phát triển thị trường công nghệ và chính sách hội nhập quốc tế về KH&CN. Tiềm lực KH&CN bao gồm 4 thành tố, trong đó nhân lực (đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ) và tài lực (tài chính cho hoạt động KH&CN) là hai thành tố cần được quan tâm đầu tiên. Chúng ta đã xác định cơ cấu 5 lực lượng cơ bản của nguồn nhân lực KH&CN bao gồm: i) Đội ngũ các nhà khoa học làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học; ii) Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, công trình sư trong các doanh nghiệp; iii) Đội ngũ các nhà quản lý trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; iv) Các nhà nghiên cứu độc lập, các nhà sáng chế và mọi người dân yêu thích khoa học và sáng tạo công nghệ; và v) Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, ba lực lượng đầu tiên đóng vai trò quyết định tới sự phát triển, diện mạo và sức mạnh của nền KH&CN nước nhà.

Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học cần có chính sách, cơ chế tự chủ. Mô hình tự chủ không chỉ đáp ứng yêu cầu giảm biên chế, giảm chi ngân sách, mà quan trọng hơn là hướng tới hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học tạo ra các kết quả, sản phẩm có giá trị gấp nhiều lần kinh phí ngân sách cấp phát. Đây chính là tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị định 115 năm 2005, khi ban hành đã được kỳ vọng như “Khoán 10” trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN là nội dung cơ bản của Nghị định 80 năm 2007. Doanh nghiệp KH&CN, trong đó có doanh nghiệp công nghệ cao là lực lượng doanh nghiệp đi đầu trong phát triển mô hình sản xuất và phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ, làm nòng cốt thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và là động lực phát triển thị trường công nghệ.

Đổi mới phương thức phân bổ và sử dụng ngân sách dành cho KH&CN là một chính sách quan trọng được quy định trong Luật KH&CN và Luật Chuyển giao công nghệ. Với sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (2003) và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (2011), một phần ngân sách nhà nước đã được sử dụng, quản lý theo cơ chế quỹ phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Mô hình quỹ tài chính KH&CN đã góp phần huy động đáng kể nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hội nhập quốc tế là một định hướng chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hợp tác và hội nhập quốc tế là chế định được đề cập trong tất cả các đạo luật liên quan tới lĩnh vực KH&CN. Đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN năm 2011 là một trong những đề án đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy Chương trình hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực KH&CN và Chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Mạng lưới văn phòng đại diện KH&CN ở các nước công nghiệp phát triển cũng được hình thành nhằm đẩy mạnh cơ hội hợp tác và hội nhập quốc tế.

Là người gắn bó với ngành KH&CN trong nhiều năm, xin ông chia sẻ một vài kỷ niệm cá nhân đáng nhớ?

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Thật không dễ chia sẻ về những kỷ niệm, nhưng đúng là không thể nào quên những cảm nhận và ấn tượng sâu sắc trong những năm tháng tôi được làm việc với anh chị em cán bộ Bộ KH&CN, với các bạn đồng nghiệp trong và ngoài Bộ, trong và ngoài ngành.

Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất là tinh thần tự nguyện, ham muốn làm việc và cống hiến của đại đa số cán bộ, công nhân viên trong Bộ, không phân biệt vị trí, chức vụ công tác, được thể hiện qua thái độ nghiêm túc, ý thức trách nhiệm và tinh thần tận tụy trong công việc, bình tĩnh trước khó khăn, chân thành trong hợp tác. Đây là một phong cách sống và làm việc rất chuyên nghiệp của một tổ chức luôn có niềm tin vào mục đích làm việc và gắn bó bởi niềm tin vào sức mạnh của sự đồng sức, đồng lòng.

Đồng thời, tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm to lớn, sát sao, sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Lãnh đạo Chính phủ từ Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến sự hợp tác, ủng hộ của các bộ, ngành như: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ,… đối với những đổi mới về cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Thực tế cho thấy, nhiều thành quả KH&CN không thể có được nếu thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và ngược lại, chính những đóng góp tích cực và hiệu quả của KH&CN đã tạo nên niềm tin và sự ủng hộ tích cực trên.

Một cảm nhận khác đã trở thành ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của nhiều người, đó là sự thống nhất trong điều hành, quản lý hoạt động của Bộ nói riêng và của ngành nói chung. Đây là một đặc điểm nổi bật, là sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển. Văn phòng Bộ là đầu mối điều hòa công tác giữa Lãnh đạo Bộ với các đơn vị trong Bộ, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Văn phòng Đảng ủy đóng góp rất thiết thực giúp Đảng ủy Bộ triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng tới các đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng. Công đoàn Bộ thực sự là tổ chức bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân viên, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động.

Sự thống nhất trong tư tưởng, hành động và trong lợi ích của từng đơn vị, từng cá nhân cán bộ, công nhân viên là tài sản quý giá nhất mà chúng ta có được trong thời gian này.

Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng vào sức mạnh trí tuệ và khát vọng cống hiến của đội ngũ các nhà KH&CN Việt Nam, đưa KH&CN lên một tầm cao mới, thực sự là nền tảng của đổi mới sáng tạo, là động lực quan trọng thúc đẩy và hoàn tất thành công công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng Việt Nam thành một quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng, phồn vinh.

Nhân dịp này, tôi xin được cảm ơn tập thể Lãnh đạo và cán bộ Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - một đơn vị uy tín và giàu truyền thống trong hoạt động truyền thông KH&CN. Xin gửi tới Ban biên tập, các độc giả và đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Tạp chí tròn 65 tuổi, hòa cùng không khí chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập ngành KH&CN Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn nguyên Bộ trưởng đã dành thời gian cho Tạp chí. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho sự phát triển của ngành KH&CN nước nhà.

Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang