Nhận diện ‘điểm nghẽn’ xuất nhập khẩu hàng hóa, giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?

author 15:54 08/05/2023

(VietQ.vn) - Sự sụt giảm mạnh ở mức 2 con số với cả 2 chiều xuất, nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu. Vì vậy, cần có những giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu xong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu sụt giảm mức 2 con số

Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta ở nhiều khía cạnh. Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 11,8% còn nhập khẩu giảm 15,4%. Sự sụt giảm mạnh ở mức 2 con số với cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm. Ảnh minh họa. 

Việc sụt giảm xuất khẩu đều đến từ các nhóm hàng chủ lực. Ví dụ như nhóm nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm ước đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, còn nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 17,8%. Riêng xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu.

Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước là công nghiệp chế biến lại tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.

Còn về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD, cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?

Cũng theo nhận định từ Bộ Công thương, có nhiều nguyên nhân khiến sản xuất và xuất khẩu các ngành hàng giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Trong đó phải kể đến yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.

Những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... chứng kiến sự sụt giảm nhiều nhất. Cùng với đó là yếu tố chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí nhân công, vận chuyển… tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trước tiên về các giải pháp đầu ra cho ngành công nghiệp chủ lực, cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…

Để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước... Với các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử thì cùng với tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” của thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến thị trường mới, thị trường còn tiềm năng. Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang