Những bi kịch từ chính sách một con của Trung Quốc

author 11:29 04/11/2015

(VietQ.vn) - Mặc dù đã được gỡ bỏ song chính sách một con của Trung Quốc đã để lại những bi kịch sâu sắc trong xã hội. Những đứa trẻ luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ chính sách này.

Theo VnExpress, sinh ra và lớn lên ở Bắc Kinh, nhưng giống hàng triệu trường hợp vi phạm chính sách một con ở Trung Quốc, Li Xue được coi là không tồn tại. Li không có quyền đến trường, không được hưởng lợi ích từ hệ thống chăm sóc y tế hay có một công việc bình thường. Không có giấy khai sinh hay giấy tờ tùy thân, cô không thể đến thư viện công cộng, kết hôn hợp pháp, hay thậm chí đi tàu như mọi người chỉ bởi vì cô là con thứ hai.

con thứ 2Chính sách hai con được coi là cơ hội để Li Xue có thể được là một con người với đầy đủ quyền lợi

Trước khi Li chào đời, mẹ cô, Bai Xiuling, đã có một con gái với đầy đủ giấy tờ và thủ tục hợp pháp. Khi bà mang thai Li, cả hai vợ chồng phải nghỉ việc dài hạn tại nhà máy. Họ không muốn có con thứ hai, nhưng vì sức khỏe quá yếu nên không thể phá thai.

Những gia đình vi phạm đều phải trả một khoản phạt để con cái được công nhận một cách hợp pháp và đảm bảo về hộ khẩu. Khoản tiền phạt đối với trường hợp "đẻ chui" của gia đình Li là 5.000 nhân dân tệ (hơn 1.100 USD), cao hơn nhiều so với 100 nhân dân tệ tiền trợ cấp mỗi tháng của bố mẹ cô.

"Nó từng khóc và nói với tôi rằng "Mẹ, con muốn đi học'", người mẹ nhớ lại, nhưng họ không có cách nào để giúp con. "Nếu nó bị ốm, chúng tôi phải sang hàng xóm để xin thuốc". Suốt nhiều năm qua, cách duy nhất để Li biết đọc, biết viết là những bài giảng của chị gái Li Bin, 30 tuổi.

Để tìm lại danh tính cho con gái, bố mẹ Li đã nhiều lần tìm đến các cơ quan chính quyền với hy vọng ai đó sẽ lắng nghe lời khẩn cầu của họ. Li từng cầm một tấm bảng ghi dòng chữ "Tôi muốn đến trường" đứng ở Quảng trường Thiên An Môn, nhưng "dù đi đến đâu, chúng tôi cũng bị lờ đi", cô nói. Gia đình Li thậm chí bị công an giám sát suốt một thập kỷ.

Việc thực thi chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc không giống nhau. Ở một số khu vực, chính quyền bắt đầu cấp hộ khẩu cho những trường hợp không nộp tiền phạt.

"Chúng tôi đều yêu thương Li Xue vì con bé đã mất mát quá nhiều. Chúng tôi muốn nó cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình vì không cách nào có được cảm giác đó ở bên ngoài", người chị gái nói. Hiện tại, Li Xue đã tìm được việc trong một nhà hàng dù không có giấy tờ cá nhân. "Lần đầu tiên, tôi được đánh giá dựa trên khả năng làm việc mà không phải bằng thân phận dựa trên giấy tờ. Điều đó thật tuyệt vời", cô nói.

Dân số Trung Quốc đạt 1,37 tỷ người vào cuối năm ngoái. Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2000, đất nước này có khoảng 13 triệu đứa trẻ như Li, nhiều hơn cả dân số Bồ Đào Nha.

Trung Quốc hôm 29/10 quyết định chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ qua và cho phép các cặp vợ chồng ở nước này sinh hai con. Chính sách một con được áp dụng từ năm 1979 nhằm làm giảm số ca sinh và kìm hãm tỷ lệ gia tăng dân số, đã để lại nhiều hệ quả lâu dài và phức tạp, khiến nhiều cặp vợ chồng phải phá thai hay triệt sản.

chính sáchTheo ước tính, chế độ một con ở Trung Quốc đã ép hàng ngàn thai phụ phải phá thai, nhiều trường hợp thai nhi đã được trên 6 tháng (Ảnh Weibo.com)

Theo Phụ nữ News, hồi năm 2012, dư luận Trung Quốc đã vô cùng giận dữ khi một phụ nữ 23 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây bị buộc phải phá thai dù đã cận ngày sinh nở. Lý do phá thai là bởi cô không thể trả được khoản tiền phạt 40.000 NDT (6.320 USD) cho việc sinh con thứ 2. Bức ảnh chụp cảnh người mẹ nằm cạnh thi thể đứa bé không được cất tiếng khóc chào đời được tung lên mạng Weibo một tuần sau đó gây nên làn sóng phẫn nộ chưa từng có ở Trung Quốc.

Theo Báo điện tử VOV, tháng 9/2015, xã hội Trung Quốc cũng đã “dậy sóng” trước vụ việc một người phụ nữ 41 tuổi tên là Chen buộc phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc là cô sẽ phải phá thai trái pháp luật khi đã mang bầu con thứ 2 được 8 tháng, hoặc nếu giữ thai thì chồng cô, vốn là một sĩ quan cảnh sát, sẽ bị mất việc. 

Dù được sinh ra hay không được sinh ra, những đứa trẻ luôn là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất từ chính sách này, kiểm soát dân số quá chặt chẽ không phải là một giải pháp hiệu quả, giáo dục mới là điều cần làm hiện nay.

Thu Thủy (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang