Những loài thực vật kỳ lạ của tự nhiên

author 06:49 25/10/2014

(VietQ.vn) - Thế giới tự nhiên bao la, huyền bí luôn ẩn chứa vô vàn những loài thực vật kỳ lạ, độc nhất vô nhị.

Loài tai đất Aeginetia

Kẻ ăn bám yêu kiều - Tai đất ấn Aeginetia indica

Tai đất Aeginetia được mệnh danh là "kẻ ăn bám yêu kiều" trong số những loài thực vật kỳ lạ. Ảnh minh họa 

Khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống rừng mưa nhiệt đới, loài thực vật họ gừng Zingiberaceae bắt đầu đâm chồi, nảy lộc tưng bừng. Trong lúc đó, những cơn gió mạnh của mùa mưa đã phá vỡ chiếc túi hạt giống đang "ngủ khô" của loài tai đất Aeginetia. Hàng triệu hạt giống nhỏ li ti có trong đó bắt đầu bung ra và bị cuốn theo dòng nước, rồi bám víu vào những mảnh thực vật họ gừng đang chết khô. Những cơn mưa liên tục giúp họ nhà gừng tươi tốt, nhưng đồng thời cũng duy trì độ ẩm dưới mặt đất đủ để khiến cho phần thân gừng già mau chóng mục nát. Chỉ chờ có vậy, những hạt giống li ti của loài tai đất Aeginetia bắt đầu nảy mầm lớn lên rất nhanh. Những chiếc vẩy được hình thành mọc đối sát gốc. Vì không thể sinh sản, tổng hợp được chất diệp lục, nhà tai đất chỉ biết sống nhờ. Khi bộ rễ dài ra đủ lớn và khoẻ mạnh, chúng tấn công vào các tế bào sống của cây gừng và hút các chất hữu cơ từ cây chủ như một kẻ "ăn bám" làm cho những cây gừng phải vật lộn để vừa nuôi sống mình vừa nuôi sống vị khách không mời kia.

Bạch đàn cầu vồng Deglupta

Thân cây có nhiều màu sắc khác nhau

Bạn đàn cầu vồng Deglupta là loài thực vật kỳ lạ 'đỏm dáng' nhất. Ảnh minh họa 

Deglupta (cây bạch đàn cầu vồng) ở đảo Hawaii, Mỹ là loài cây thân gỗ “đỏm dáng” nhất trong giới thực vật. Loài bạch đàn có nguồn gốc từ Indonesia và Philippines này có khả năng sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Deglupta là một trong những loài cây cao nhất thế giới, có thể cao từ 75-100m khi trưởng thành. Thân cây Deglupta có những sắc màu rực rỡ như xanh lá mạ, xám, đỏ, vàng cam, tím đan xen, hòa quyện với nhau tạo thành một tác phẩm hội họa trừu tượng. Sau mỗi trận mưa, các màu sắc trên cây nhìn càng tươi mới và đẹp. Bí mật về những gam màu trên thân oài thực vật kỳ lạ này nằm ở quá trình thay vỏ nhiều lần trong năm. Tuy nhiên, việc thay vỏ giữa các mảng màu lại không diễn ra cùng thời điểm. Sau khi lớp vỏ già rụng xuống sẽ để lộ lớp vỏ màu xanh lục và dần dần sẽ chuyển sang những màu khác nhau.

Nấm Mycena luxaeterna phát sáng

Loài nấm phát sáng kì lạ trong những khu rừng nhiệt đới

Loài nấm phát sáng kì lạ trong những khu rừng nhiệt đới. Ảnh minh họa

Phát sáng liên tục trong những rừng nhiệt đới của Brazil, loài nấm Mycena luxaeterna giống như những ngôi sao nhỏ xíu dưới mặt đất. Nấm Mycena luxaeterna có một chất keo dính trên thân giúp duy trì độ ẩm trong điều kiện thời tiết nắng nóng vào ban ngày. Chất keo dính cũng giúp chúng bắt côn trùng để làm thức ăn. Các nhà khoa học cho rằng nấm Mycena luxaeterna phát sáng bởi một hoặc nhiều mục đích nào đó. Chẳng hạn, chúng phát sáng vào ban đêm nhằm thu hút sự chú ý của côn trùng chuyên kiếm ăn vào ban đêm. Đây là một chiến thuật cần thiết cho sự sinh tồn trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp đến nỗi gió không thể phát tán bào tử nấm tới những nơi khác. Những loài côn trùng hoạt động vào ban đêm sẽ giúp nấm phát tán bào tử.

Cây máu rồng

Loài cây độc đáo có nhựa đỏ như máu

Cây máu rồng là một trong những loài thực vật kỳ lạ nhất hành tinh. Ảnh minh họa

Với hình dạng giống như những chiếc ô khổng lồ có nhựa đỏ như máu, cây máu rồng là một trong những loài thực vật kỳ lạ nhất trên hành tinh. Cây máu rồng (Dracaena draco) là một loài cây cận nhiệt đới sinh sống trên quần đảo  Socotra của Yemen. Kiểu sinh trưởng của cây máu rồng rất khác thường. Khi cây còn nhỏ, chúng chỉ có một thân. Sau khoảng 10 tới 15 năm, thân cây ngừng phát triển và những bông hoa màu trắng có mùi thơm như hoa loa kèn xuất hiện. Sau đó những chồi non bật lên và cây bắt đầu phân nhánh. Nhựa của cây có màu đỏ như máu, chua và hơi  nồng. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhựa của cây máu rồng có khả năng bồi bổ cơ  thể, tăng cường sức đề kháng, làm lành da, điều trị các vết thương thối rữa. Cây máu rồng đã được ca tụng từ thời La Mã cổ đại và dường như càng ngày càng được đánh giá cao.

Hoa vua Rafflesia arnoldii

Loài hoa có kẻ hầu người hạ

Loài hoa có kẻ hầu người hạ. Ảnh minh họa

Hoa vua là loài hoa lớn nhất thế giới, mọc trong rừng nhiệt đới trên các đảo Java và Sumaitra của Indonesia; Malaysia. Hình dạng của cây hoa này rất kỳ quái, vừa không có rễ lại không có thân và cũng không có lá, rõ ràng không có gì đáng gọi là cây. Vì nó chỉ là hoa, một loại hoa khổng lồ nên được tôn vinh là hoa vua. Đã là vua, tất nhiên phải có người hầu hạ, cơm nước. Loài thực vật kỳ lạ này sống ký sinh với chiếc cuống hoa duy nhất của mình cắm vào rễ ngầm của cây song phấn trắng (cissus) hút dinh dưỡng. Đường kính lớn nhất của hoa vua tới 1,4m; thường nặng từ 4-5kg, có bông nặng tới 50kg. Năm cánh hoa màu đỏ, mọng nước, mỗi cánh hoa dài 30-40cm, dày 20cm, ở giữa là nhị hoa và đĩa mật. Đĩa mật có đường kính khoảng 33cm, cao 30cm nếu đem đựng nước, có thể chứa được 5-6kg. Màu hoa rất đẹp, khi mới nở có mùi thơm, nhưng một vài ngày sau thối như mùi chuột chết, không thể gửi được. Nhờ mùi thối này, ruồi nhặng và côn trùng đã xúm lại giúp hoa vua "truyền đời" cho con cháu. Trái với kích thước của hoa, quả rất nhỏ. Quả của hoa vua thường dính vào chân voi để tìm đất mới.

Đinh Ly

 (tổng hợp từ VnExpress, Việt Báo, Khoa Học)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang