Những nguy cơ khi ăn lươn sai cách

author 05:22 08/03/2023

(VietQ.vn) - Lươn là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tuy nhiên khi ăn lươn cần đặc biệt lưu ý trong chế biến nếu không rất dễ ngộ độc và dị ứng.

Theo bảng thành phần thức ăn của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100 g thịt lươn có: 18,7g chất đạm, 0,9 g chất béo, 150 mg phospho, 39 mg canxi, 1,6 mg sắt, vitamin A, D và các vitamin B1, B2, B6, PP...

Người phương Đông còn gọi lươn là "thiện ngư" (cá lành) nên dùng chế biến món ăn cho trẻ nhỏ từ độ tuổi trẻ tập ăn dặm. Người Nhật vinh danh lươn là "sâm dưới nước" chữa được nhiều bệnh, đặc biệt tình trạng suy dinh dưỡng. Lươn là thực phẩm được đất nước này sử dụng trong khẩu phần ăn cho các nhà đấu vật Sumo.

Thực tế, lươn không xếp vào nhóm nguy cơ gây dị ứng cao như hải sản, nhưng thịt lươn có nhiều chất đạm, đặc biệt có axit amin histidine. Bình thường histidine rất tốt cho cơ thể, nhưng khi con lươn chết, axit amin này sẽ biến đổi thành chất histamine, một hoạt chất phổ biến gây sưng và ngứa xảy ra do phản ứng dị ứng. Histidine góp phần vào tình trạng sốc phản vệ có thể do phản ứng dị ứng. Do đó, trẻ em và người lớn vẫn có thể dị ứng với lươn.

Ăn lươn sai cách có nguy cơ ngộ độc và dị ứng. Ảnh minh họa 

BVĐK Tâm Anh TP. HCM thường xuyên tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho trẻ bị dị ứng thức ăn. Ngoài nhóm dị ứng điển hình là thực phẩm giàu đạm như: hải sản, trứng gà, thịt bò..., một số trẻ ghi nhận phản ứng nổi mề đay, phù nề sau khi ăn lươn, phổ biến ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân vì trẻ nhỏ hệ miễn dịch, đường ruột non yếu.

Biểu hiện dị ứng lươn ở mức độ vừa, trẻ sẽ ngứa khắp mình, nổi nốt đỏ kích thước lấm tấm hoặc có thể nổi thành những ban đỏ kích thước lớn, mắt có thể sưng đỏ, chảy nhiều nước mắt. Một số trẻ có phản ứng tiêu chảy, đau bụng sau khi sử dụng thực phẩm. Trẻ nặng có thể nổi mề đay, sưng môi, phù mắt, biểu hiện khó thở, suy hô hấp.

Để phòng ngừa dị ứng lươn, phụ huynh cần cho trẻ tập ăn với số lượng ít sau đó tăng dần. Nguyên tắc khi tập cho trẻ ăn dặm với thức ăn giàu đạm, phụ huynh nên chọn giờ ăn vào buổi sáng để tiện theo dõi phản ứng dị ứng. Nếu sau ăn trẻ có biểu hiện mẩn đỏ, đau bụng, quấy khóc, khó chịu cần đưa đi bệnh viện để thăm khám, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng, bệnh gút là bệnh của rối loạn chuyển hóa đạm dẫn đến việc tăng acid uric trong máu. Lươn là thực phẩm giàu chất đạm vì thế những người bị bệnh gút không nên ăn nhiều thịt lươn để tránh tình trạng bệnh tăng cao.

Lươn sống trong môi trường sình lầy, hay chui rúc dưới ao bùn, nước đục… Chưa kể lươn còn có thói ăn tạp nên hệ tiêu hóa và chính cả thịt của lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng. Trong thịt lươn còn có một loại ấu trùng ký sinh rất dai và chịu được nhiệt độ cao, vì vậy nếu công đoạn làm sạch và chế biến lươn không đảm bảo rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, thậm chí tạo điều kiện cho ký sinh trùng làm tổ trong cơ thể. Để diệt bỏ hết những ký sinh trùng này nên vệ sinh cẩn thận, chế biến bằng cách ninh nhừ, hấp thủy, không nên ăn lươn khi chưa chín kỹ.

Đặc biệt khi chế biến thịt lươn cho con ăn, gia đình cần lưu ý, phải lọc thật kỹ thịt lươn, không để lẫn xương. Thịt lươn cần nấu thật chín, đảm bảo thị không còn mầm bệnh và ký sinh sinh trùng sống sót. Gia đình nên chọn mua lươn còn sống, rõ nguồn gốc để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang