Những tác hại từ việc gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

author 05:19 09/01/2024

(VietQ.vn) - Theo Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù thời gian qua đã không ngừng tăng cường và quản lý chặt công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng gian lận đã gây ra nhiều nguy hại.

Thời gian qua Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đẩy mạnh việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện, chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV và triển khai văn bản 1776/ BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, phát triển và quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Không ngừng tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, không được lơ là trong giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Vì vậy, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch một số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại 13 tỉnh, thành: Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Bình Thuận.

Cùng với việc phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cũng thực hiện tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; trong đó chú trọng các loại quả chủ lực và các thị trường trọng tâm.

Gian lận mã số vùng trồng gây ra nhiều tác hại cho xuất khẩu. Ảnh minh họa

Nhờ đó đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng nông dân chưa chú trọng tới sản xuất an toàn, gian lận, buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Điển hình, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, hiện tỉnh Tiền Giang đã cấp 271 mã số vùng trồng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng “mượn” mã số vùng trồng của người khác để xuất khẩu, gây khó khăn cho các ngành chức năng của tỉnh trong việc giám sát số lượng cũng như chất lượng, dẫn tới nguy cơ không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tỉnh vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu không thuộc mã số vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu. Vì vậy, địa phương rất cần thông tin kịp thời từ cơ quan quản lý xuất nhập khẩu phản hồi về để có hướng quản lý chặt.

Tỉnh Trà Vinh nêu thực trạng hầu hết các hợp tác xã và doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa của việc sử dụng mã số vùng trồng trong hoạt động nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất mà họ đang đối mặt hiện nay là sự thiếu thông tin về quy trình và thủ tục để đạt được mã số vùng trồng.

Chuyện của doanh nghiệp cũng là vấn đề mà nhiều đơn vị đầu tư nông nghiệp Tây Nguyên và cả miền Tây Nam bộ gặp phải. Điểm lại con số các mã vùng trồng bị cảnh báo, bị đưa vào danh sách kiểm tra, buộc thu hồi, có thể nói tình trạng gian lận mã vùng trồng đang phổ biến. Thực tế có rất nhiều đối tượng cần hợp thức hóa các đơn hàng xuất khẩu, dù nguồn hàng họ có không đạt chất lượng đi nữa. Chỉ cần những đơn vị có mã vùng trồng, hay đơn giản chủ nhiệm một hợp tác xã “động lòng”, là sẽ có nhiều đơn hàng đưa nông sản qua biên giới với những xuất xứ không đủ chuẩn nhưng có mã vùng trồng. Các khoản lợi nhuận qua chênh lệch hàng hóa này không nhỏ, nên rõ ràng, việc trao đổi, mua bán mã vùng trồng đồng nghĩa với lợi nhuận lớn. Hiện tượng tráo mã vùng trồng những năm gần đây càng có xu hướng rộ lên, nhất là sau các thông tin nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Không chỉ gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng, nông dân cũng như các hợp tác xã chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng vùng trồng theo hướng an toàn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, thành phố Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả, với diện tích hơn 300ha. Song, một số hợp tác xã và người dân vẫn chưa chú trọng đến các quy trình sản xuất an toàn để phòng, chống sinh vật gây hại, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, thời gian qua, nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi và cảnh báo về chất lượng do việc quản lý mã số vùng trồng hiện nay bị buông lỏng, bị một số doanh nghiệp lợi dụng, làm ảnh hưởng đến mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, hiện chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ quy định về xuất khẩu cũng như gian lận trong việc sử dụng mã số, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra và xử lý vi phạm. Mặt khác, các vùng trồng đã được cấp mã số chưa thực hiện đầy đủ việc cập nhật nhật ký điện tử, dẫn đến các vùng trồng này có nguy cơ bị thu hồi mã số… Nếu vi phạm này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường.

Để nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam, các ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Xây dựng vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Về việc này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho hay, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Mặt khác, Bộ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương về quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, giám sát những mã số đã được cấp; thẩm định, kiểm tra hồ sơ đầu vào của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang