Ô nhiễm môi trường có thể làm gia tăng mắc nhiều bệnh nguy hiểm cùng lúc

author 11:00 08/12/2022

(VietQ.vn) - Theo các nhà khoa học tại Đại học Nhà vua Luân Đôn (Anh), ô nhiễm môi trường có thể làm gia tăng mắc nhiều bệnh cùng một lúc.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tại Đại học Nhà vua Luân Đôn (Anh) đã phân tích dữ liệu của hơn 364.000 người từ UK Biobank - một kho dữ liệu y sinh quy mô lớn và tài nguyên nghiên cứu chứa thông tin di truyền, lối sống và sức khỏe từ nửa triệu người ở Vương quốc Anh trong độ tuổi từ 40 đến 69. Những người tham gia được đánh giá về 36 căn bệnh mãn tính về thể chất và 5 bệnh tâm thần. Dữ liệu về sức khỏe thể chất và tinh thần được liên kết với nồng độ ô nhiễm không khí ước tính tại địa chỉ cư trú của những người tham gia.

Kết quả công bố trên tạp chí Frontiers in Public Health cho thấy, ô nhiễm không khí mức độ cao liên quan đến hoạt động giao thông - như bụi mịn đường kính dưới 2,5 micrômét (PM2.5) và nitơ điôxit (NO2) - có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ít nhất 2 bệnh mãn tính. “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những người sống ở những khu vực ô nhiễm không khí nhiều do xe cộ có nguy cơ cao mắc nhiều vấn đề sức khỏe” - Amy Ronaldson, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

 Ô nhiễm không khí có thể làm gia tăng mắc nhiều bệnh cùng lúc. Ảnh minh họa

Cụ thể, những người tiếp xúc với PM2.5 nồng độ trên 10 microgram trên mét khối (µg/m3) có nguy cơ mắc 2 hoặc nhiều bệnh cùng lúc cao hơn 21% so với những người tiếp xúc với nồng độ dưới 10µg/m3. Đối với những người tiếp xúc NO2 nồng độ trên 30µg/m3, nguy cơ mắc 2 hoặc nhiều bệnh cùng lúc tăng 20% so với những người tiếp xúc với nồng độ dưới 20µg/m3.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong số những người mắc nhiều bệnh cùng lúc, việc tiếp xúc với cả PM2.5 và NO2 càng nhiều thì mức độ nghiêm trọng của các căn bệnh càng cao.

Ngoài ra, nhóm nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một số kiểu phát triển nhiều bệnh cùng lúc. Trong đó, mối liên hệ mạnh mẽ nhất được ghi nhận là giữa các bệnh về hệ hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giữa các bệnh thuộc hệ tim mạch như rung tâm nhĩ, bệnh tim mạch vành và suy tim, cũng như giữa các chứng rối loạn thần kinh và tâm thần phổ biến như đột quỵ, lạm dụng chất gây nghiện, lo âu và trầm cảm.

“Làm thế nào không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống cùng một lúc vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ, nhưng có một số bằng chứng cho thấy các chất ô nhiễm đã kích hoạt cơ chế gây viêm, stress ôxy hóa và kích hoạt miễn dịch, có thể gây tổn thương não, tim, máu, phổi và ruột” - chuyên gia Ioannis Bakolis, thành viên nhóm nghiên cứu, lý giải.

Theo chuyên gia Amy, những người có nhiều hơn một vấn đề sức khỏe lâu dài có chất lượng cuộc sống thấp hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc y tế.

Trong khi đó, một phân tích tổng hợp công bố trên tạp chí Neurology của Học viện Thần kinh học của Mỹ cũng cho thấy tiếp xúc với chất ô nhiễm không khí do xe cộ tạo ra càng nhiều thì nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ càng tăng.

Các chuyên gia thuộc Đại học Western (Canada) đã kiểm tra 17 nghiên cứu về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ sa sút trí tuệ. Trong số hơn 91 triệu người (ít nhất 40 tuổi) tham gia các nghiên cứu, có 5,5 triệu người (tương đương 6%) đã mắc chứng sa sút trí tuệ, làm giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hoặc ra quyết định, gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày. Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện việc tiếp xúc với bụi mịn cứ tăng 1 µg/m3 thì nguy cơ mắc bệnh tăng thêm 3%.

Các chất gây ô nhiễm môi trường có thể gây rối loạn nội tiết tố và can thiệp vào hoạt động của các hormone kiểm soát sự tăng trưởng, phát triển và khả năng sinh sản. Các chất hóa học độc hại này làm tác động đến các thụ thể estrogen, androgen và progesterone. Điều này dẫn đến các vấn đề bất thường về sinh sản ở người, chẳng hạn như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh, số lượng tinh trùng thấp và ung thư tuyến tiền liệt. Tác hại của ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh dịch. Một số nghiên cứu ở nam giới cho thấy khi tiếp xúc ô nhiễm không khí ở mức độ cao có thể làm giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.

Các vật chất hạt (PM) là một trong những thành phần chính gây ô nhiễm không khí được phân loại là chất gây ung thư nhóm 1 ở  người. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư phổi, do các mô phổi đặc biệt nhạy cảm khi tiếp xúc với các chất gây ung thư trong không khí. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong không khí cũng là một trong những chất có thể gây ung thư. VOC có thể xuất hiện ở nồng độ cao hơn trong nhà từ các sản phẩm, vật liệu gia dụng như sơn, thảm, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu… làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu, ung thư hạch, u tủy và u mạch máu ác tính. Do đó bạn cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, hạn chế đồ nhựa và sản phẩm tẩy rửa nhân tạo có chứa VOC.

Thận là bộ phận trên cơ thể rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại trong môi trường. Mặc dù thận chỉ nhận khoảng 25% lưu lượng máu từ tim, nhưng lượng lớn hóa chất và thuốc trong tuần hoàn cơ thể đều được chuyển đến thận. Nước tiểu chứa các chất ô nhiễm độc hại tích tụ đến mức độ cao sẽ làm tăng khả năng chấn thương mô trong thận.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy hơn 90% dân số thế giới đang sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn mức khuyến nghị, do vậy các chuyên gia hy vọng những phát hiện này sẽ thúc đẩy mọi người chủ động giảm mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm, như chọn sống ở những khu vực ít ô nhiễm hơn, thúc đẩy việc thực thi các quy định kiểm soát chất lượng không khí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện môi trường hơn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang