Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc tại 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp

author 15:38 08/03/2024

(VietQ.vn) - Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa trên thị trường, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tại Tiền Giang, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra đột xuất 01 cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra cửa hàng kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Đội QLTT số 1.

Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh nước yến sào cao cấp niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Ngay sau đó, đoàn kiểm tra lấy 02 mẫu sản phẩm dinh dưỡng công thức để thử nghiệm chất lượng. Kết quả sau khi phân tích, đánh giá thì cả 02 mẫu này là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Với 02 hành vi vi phạm nêu trên hộ kinh doanh đã bị UBND tỉnh Tiền Giang xử phạt hơn 50.000.000 đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 10.000.000 đồng.

Còn tại Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 2 trực thuộc Cục Quản lý thị trường cũng đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh N.V.B, địa chỉ Ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh do ông N.V.B làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện hộ kinh doanh N.V.B đang bày bán phụ tùng máy nổ, trên nhãn hàng hóa không thể hiện nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Tang vật gồm: 35 cái Bạc đạn chữ thập, nhãn hiệu KONO; 10 cái Bạc đạn chữ thập, nhãn hiệu AMP; 05 cái Bạc đạn chữ thập, nhãn hiệu H&W; tổng trị giá tang vật vi phạm 12,5 triệu đồng.

Qua làm việc, ông N.V.B thừa nhận toàn bộ tang vật trên ông mua trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 2 đang hoàn tất hồ sơ vụ việc, trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 6 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên theo quy định.

Cũng tại Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã liên tục phát hiện và xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 04/03/2024, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh điện máy A.C.2, địa chỉ Khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp do ông N.V.H làm chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện hộ kinh doanh này đang kinh doanh hàng hóa là xe đạp điện, trên hàng hóa, trên nhãn hàng hóa không có thể hiện thông tin nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa và không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì kèm theo hàng hóa để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo quy định. Tổng giá trị tang vật 24 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp kiểm tra lô xe điện không có giấy tờ. Ảnh: Đội Quản lý thị trường số 3.

Qua làm việc, ông N.V.H - chủ hộ kinh doanh thừa nhận kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì kèm theo hàng hóa để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 3 lập biên bản vi phạm hành chính và Đội trưởng Đội QLTT số 3 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nêu trên, với số tiền 8,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật vi phạm theo quy định.

Trước đó, ngày 27/02/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh A.K, địa chỉ: Phường An Bình A, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp do ông P.A.K làm chủ.

Qua trình tiến hành kiểm tra, lượng lực chức năng phát hiện 15 đầu kẹp mũi khoan, nhãn hiệu SHUANG YING, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 ổ khóa tay nắm tròn, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 05 lưỡi cưa gỗ, nhãn hiệu MASKA, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là: 5.375.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa này chưa qua sử dụng và không có hóa đơn chứng từ kèm theo. 

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ra quyết định xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền 4 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật nêu trên theo quy định.

Những hành động quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý thị trường tại Tiền Giang và Đồng Tháp thể hiện sự nghiêm túc trong việc kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang