Quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dạy người lớn mới là quan trọng!

author 16:00 23/09/2016

(VietQ.vn) - Bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn con, cháu thành người trung thực, hiếu thảo, nhân ái thì những lời nói, việc làm của mình cũng phải như vậy.

Ngày 22/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Khuyến học Việt Nam (nhiệm kỳ 2016-2021).

Phó Thủ tướng đánh giá thời gian qua, nhiều hoạt động, nhiều mô hình tốt, nhiều cách làm hay, nhiều đóng góp rất ý nghĩa của Hội Khuyến học đã được tiếp tục, được sáng tạo, được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần quan trọng cùng ngành giáo dục nước nhà thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trước yêu cầu đất nước phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì nguồn lực và lợi thế lớn nhất của Việt Nam là con người, những con người có tri thức. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ mà Hội Khuyến học Việt Nam đề ra trong nhiệm kỳ tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trước yêu cầu đất nước phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì nguồn lực và lợi thế lớn nhất của Việt Nam là con người, những con người có tri thức. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, của Hội khuyến học là vô cùng quan trọng và ngày càng quan trọng để có thể phát huy nguồn lực, lợi thế ấy.

Từ khí thế, hiệu quả của phong trào “Bình dân học vụ” năm xưa do Bác Hồ phát động, trong vòng 3 năm đã xóa mù chữ cho 8 triệu người, Phó Thủ tướng mong muốn sẽ có thêm nhiều phong trào “Bình dân học vụ" mới để trang bị cho người dân những được trang bị các kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ cần thiết để lao động hiệu quả hơn, để xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Chúng ta cần đặc biệt chú ý công tác giáo dục người lớn, dạy nghề cho lao động ở nông thôn và cần có các phong trào, hoạt động để “xóa mù công nghệ” với khí thế và hiệu quả tương tự như phong trào “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ trước đây”, Phó Thủ tướng nói.

Trong nhiệm kỳ qua (2010-2015), số hội viên Hội khuyến học tăng gần gấp đôi và đạt gần 15 triệu người. Các chi hội khuyến học đã có mặt ở cả các vùng xa xôi, hẻo lánh; tích cực, kiên trì vận động nhân dân tham gia học tập. Gần 99% số xã đã có trung tâm học tập cộng đồng. Quỹ khuyến học đã cấp học bổng cho hàng triệu trẻ em nghèo; hàng chục vạn học sinh, sinh viên giỏi; hỗ trợ hàng nghìn giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm bám lớp, bám trường.

Qua 5 năm, số lượng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học đã tăng gấp 2 lần với 8 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học”, 65.203 dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và 70.356 cộng đồng được công nhận là “cộng đồng khuyến học”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia ngày chạy Olympic như những người dân bình thường. Ảnh Tuổi trẻ

Liên quan đến công tác giáo dục người lớn, tháng 12/2015, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em tại Hà Nội, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không ít hành vi dù là do nhận thức chưa đúng, hiểu biết chưa tới hay do thói quen không tốt của người lớn đã ảnh hưởng xấu tới tâm lý, tình cảm, sự phát triển hướng tới chân - thiện - mĩ của trẻ em.

Phó Thủ tướng đưa ra một loạt vấn đề về đạo đức đang hết sức nhức nhối trong bối cảnh hiện nay, đó là: Làm sao đòi hỏi con, cháu mình vượt khó để học giỏi trong khi bản thân mình lại không chăm chỉ, nỗ lực?

Làm sao mong muốn con, cháu thành người trung thực, hiếu thảo, nhân ái khi những lời nói, việc làm của chính mình lại không được như vậy?

Làm sao tin tưởng con cháu mình sẽ trở thành công dân mẫu mực, mà một tiêu chí hàng đầu là tuân thủ pháp luật, trong khi mình lại không đội mũ bảo hiểm, lại vượt đèn đỏ khi chở con trên đường?

"Có rất, rất nhiều câu hỏi “làm sao?” như vậy mà chúng ta nên thường xuyên tự hỏi mình...", Phó Thủ tướng trăn trở.

Rồi ông nhấn mạnh: “Người lớn phải là tấm gương để trẻ em noi theo và trẻ em cũng là tấm gương để chúng ta soi lại mình. Một ánh mắt trong trẻo, một câu nói hồn nhiên của trẻ nhiều khi làm lòng ta trong sáng ra, hành động của ta đúng đắn hơn. Nghe trẻ em nói không chỉ đơn giản vì quyền của trẻ mà còn vì lợi ích của tất cả”. 

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang