Quy định chống phá rừng của EU đặt ra nhiều thách thức đối với nông sản Việt Nam

author 15:38 06/11/2023

(VietQ.vn) - Trong 7 nhóm hàng nông sản thuộc sự kiểm soát của Liên minh Châu Âu về chống phá rừng (EUDR) Việt Nam có 3 mặt hàng là cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) về chống phá rừng bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy định mới gồm: cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su kể từ sau ngày 31/12/2020 từ các quốc gia vào EU. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa vừa nêu nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường này. Khó khăn lớn nhất mà các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang gặp phải trong thực hiện quy định mới của EU là việc cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng; truy xuất nguồn gốc; triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng. 

Dẫn chứng những thách thức đối với ngành hàng cà phê trong thực hiện quy định mới của EU về chống phá rừng, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Cảnh quan Bền vững cho rằng: "Cần tăng cường giám sát bảo vệ rừng theo vùng rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao, qua đó xây dựng cơ chế phản hồi thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ bảo vệ rừng, tái sinh rừng, kết hợp giải pháp hỗ trợ mô hình sinh kế trong nông hộ, đặc biệt là hỗ trợ mô hình nông dân đã gây mất rừng và các hộ nông dân ở các vùng nguy cơ cao về mất rừng".

Trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 18 tháng trước khi quy định mới của EU được thực hiện, bởi sau ngày 31/12/2024 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020, một số ý kiến cho rằng, việc rà soát các vùng rủi ro trong chuỗi cung ứng nông sản liên quan tới nông hộ là rất cần thiết. Theo đó, cần có chiến lược, kế hoạch chi tiết và cụ thể trong thu thập và xử lý thông tin của hàng triệu nông hộ theo quy định mới về chống phá rừng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng. Ảnh minh họa 

Trong 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ) thuộc sự kiểm soát của EUDR, Việt Nam có 3 mặt hàng là cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Theo ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, đây là 3 nhóm mặt hàng quan trọng hiện đang được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu (XK) sang EU với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. “Việc đáp ứng các yêu cầu trong EUDR có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết đối với DN XK của Việt Nam nói riêng và toàn bộ các bên tham gia ba ngành hàng này nói chung…” - Chuyên gia Forest Trends nhận định. 

Ông Phúc chia sẻ thêm, để được phép lưu thông các mặt hàng này tại EU, các DN nhập khẩu từ EU cần bảo đảm sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng và suy thoái rừng với thời điểm tính từ 31/12/2020 trở về sau. DN có 18 tháng (DN lớn) hoặc 24 tháng (DN vừa và nhỏ) sau khi EUDR có hiệu lực để chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu của EUDR.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, hiện đã có khung kế hoạch hành động cấp quốc gia. Thêm vào đó, ông Tuấn đã nhấn mạnh 3 điều kiện của EUDR (Không gây mất rừng; Được sản xuất theo pháp luật của nước sản xuất; Có báo cáo thẩm định trách nhiệm), ông Tuấn cho biết, dựa trên các tiêu chuẩn do EU đặt ra, các quốc gia được phân loại rủi ro “cao”, “trung bình” hoặc “thấp”. Sản phẩm từ các quốc gia được coi là “rủi ro thấp” sẽ được đơn giản hóa quy trình thẩm định. Nếu EU phân loại “rủi ro cao” cho 1 trong 7 ngành hàng sẽ dẫn đến tất cả các ngành bị phân loại “rủi ro cao”.

Để ứng phó với EUDR, Bộ NN&PTNT đã ban hành khung hành động bao gồm: Xây dựng khung hợp tác công - tư; Tuyên truyền, vận động; Xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU và các quốc gia thành viên về EUDR và các quy định khác; Các giải pháp kỹ thuật; Huy động nguồn lực.

Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR cũng nêu cụ thể các đầu việc phải triển khai theo lộ trình đối với Trung ương, địa phương, DN và Hiệp hội DN.

Nhiều thách thức được đặt ra về từ việc chứng minh nguồn gốc

Theo Chuyên gia Forest Trends, hiện Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng, cà phê, cao su chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.

“Nếu chiếu theo quy định của EUDR, nhìn chung 3 ngành hàng này của Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro gây mất rừng và suy thoái rừng do diện tích sản xuất các mặt hàng này đã ổn định từ trước 2020. Tuy nhiên, để chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết…” - ông Tô Xuân Phúc nhận định.

Đơn cử như tính pháp lý của đất canh tác thuộc sở hữu của nông hộ sản xuất chưa rõ ràng; chuỗi cung phức tạp, nhiều khâu trung gian; khó khăn trong việc nông hộ tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách. Hay như việc chứng minh nguồn nguyên liệu (gỗ, cao su…) trong các sản phẩm XK sang EU…“Vừa rồi ngành gỗ, cao su rất khó khăn trong hoàn thuế liên quan đến truy xuất nguồn gốc đến người trồng rùng. Rõ ràng đây là thách thức rất lớn khi thực thi EUDR” - Chuyên gia Forest Trends lưu ý.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cũng cho rằng việc chứng minh các sản phẩm sản xuất trên đất không có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020 là không đơn giản khi 70 - 75% vườn trồng cà phê chưa có dữ liệu định vị theo EUDR, 60% diện tích cao su thuộc quy mô tiểu điền. Cùng với đó là thách thức về truy xuất nguồn gốc do sản xuất nhỏ lẻ phân tán… Chuyên gia IDH lo ngại rủi ro đẩy nhóm nông hộ rủi ro cao khỏi chuỗi cung ứng sang EU…Theo Chuyên gia IDH, vấn đề quan trọng nhất là phải chứng minh các sản phẩm của Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Do đó cần: Đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; Giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc (cho phép phân hàng theo từng huyện); Đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Việt Nam chỉ có khoảng 30.000ha trong số 700.000ha cà phê thuộc các công ty nhà nước. Trong khi đó, cà phê chủ yếu được trồng không tập trung tại các nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. 

Khẳng định đối với ngành cao su, rủi ro với quy định của EUDR là rất thấp, nhất là từ năm 2017 Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng, ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam băn khoăn liệu các chứng nhận bền vững như chứng nhận FSC có được EURD công nhận? Đặc biệt, với cao su tiểu điền, sẽ rất khó khăn khi nông dân sản xuất manh mún, điều này cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, sự hợp lý hóa trong sử dụng đất đai của nông dân…

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang