Sẽ tránh độc quyền khi bán sân bay

author 07:09 10/03/2015

(VietQ.vn) - Hàng không được đánh giá là lĩnh vực thu hút được đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo Cục Hàng không, đề án xã hội hóa hàng không đang được gấp rút triển khai, một số sân bay sẽ được bán thí điểm cho các doanh nghiệp.

Sẽ tính hết các tình huống khi bán sân bay

Chủ trương xã hội hóa hàng không của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dù mới manh nha nhưng đã có không ít doanh nghiệp đề xuất mua lại quyền khai thác một số sân bay. Mới đây nhất là việc hai hãng hàng không chiếm thị phần lớn trong nước đều đề xuất mua lại quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài.

Mở màn là hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, dù hiện tại toàn bộ các chuyến bay đến/đi của hãng hàng không này đều được làm thủ tục tại sảnh E, khu vực mở rộng của T1, song hãng đề xuất Bộ GTVT nhượng lại quyền khai thác toàn nhà ga T1 trong thời hạn 20 năm.

Ngay sau đó, anh lớn hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines cũng đệ trình văn bản xin mua lại toàn quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài nhưng không bao gồm sảnh E tới Bộ GTVT. Điều này chứng tỏ sức hút của lĩnh vực hàng không đối với khu vực tư nhân.

Song song với đó, Bộ GTVT cũng chủ trương sẽ bán thí điểm một số sân bay khác để lấy vốn đầu tư hạ tầng giao thông như mở sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Đà Nẵng...

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, đối với lĩnh vực hàng không hiện vốn Ngân sách nằm trong kết cấu hạ tầng không cao, nhưng vốn tư nhân cũng không có, chủ yếu là vốn từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Giai đoạn từ năm 2001 đến 2014, nguồn vốn trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước rót vào đầu tư hạ tầng giao thông chỉ chiếm 13%. Vì vậy, trong thời gian tới, sau cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo, có thể ACV chỉ làm nhiệm vụ thu hồi vốn đã đầu tư tại các cảng để mở rộng, phát triển hạ tầng hàng không.

Nhà ga T1 sẽ được bán cho Vietnam Airlines hay Vietjet Air? Ảnh: Khampha.vn

Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, tất cả mới chỉ là ý tưởng sơ khai mà Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo Cục Hàng không và ACV nghiên cứu. Ông Lại Xuân Thanh nêu ý kiến: “Hàng không có đặc thù riêng, tất cả sân bay đều dùng chung giữa dân sự và quốc phòng. Vì vậy, việc xã hội hóa sẽ phải biệt sân bay trọng điểm về an ninh quốc phòng để có ứng xử khác nhau trong việc phát triển”.

Ngoài ra, việc xã hội hóa cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng phương án xã hội hóa phải tính hết được các tình huống. Đặc biệt trong đó, việc nhượng lại quyền khai thác sân bay phải không làm ảnh hưởng đến khai thác của các hãng hàng không đang khai thác, phải tránh rơi vào thế độc quyền, cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của hàng không trong tương lai.

Ông Lại Xuân Thanh cho biết, cũng có nhiều ý kiến đề xuất nên bán dứt điểm, và một số ý kiến cho rằng chỉ nên nhượng quyền khai thác. Cục Hàng không nghiêng về phương án nhượng quyền khai thác.

Sẽ bán T1 cho Vietnam Airlines?

Trước tiên, Bộ GTVT sẽ bán thí điểm sân bay Phú Quốc. Sân bay Phú Quốc 100% vốn đầu tư từ nguồn vốn của ACV, với kinh phí khoảng 230 triệu USD. Sân bay này được Bộ GTVT kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia vì nằm ở vị trí thuận lợi.

“Nóng” nhất hiện nay là việc nhượng quyền lại nhà ga T1 Nội Bài khi có 2 hãng hàng không cùng có văn bản đề xuất Bộ GTVT bán lại quyền khai thác. Ông Lại Xuân Thanh cho hay, nhà ga T1 Nội Bài ban đầu không nằm trong danh mục bán thí điểm mà Bộ GTVT nhắm tới. Tuy vậy, bỗng nhiên 2 hãng hàng không cùng xin mua lại nên Bộ GTVT đã cân nhắc bán thí điểm, trong đó Bộ trưởng Bộ GTVT đã đồng ý bán thí điểm 100% sảnh E cho Vietjet Air. Dù rằng, văn bản của Viejet Air đề xuất xin mua trọn T1.

Theo tin từ Cục Hàng không, hiện mới chỉ có 2 hãng hàng không này đề xuất được mua T1 Nội Bài.

Đây cũng là tình huống “khó xử” nhất. Theo một số chuyên gia, mặc dù Vietjet Air đề xuất mua sân bay Nội Bài trước, nhưng hiện hãng này đang khai thác độc lập ở sảnh E, khu vực nhà ga T1 do Vietnam Airlines và công ty con của hãng này đang khai thác là Jetstar Pacific.

Vì vậy, nếu Bộ  GTVT nhượng lại quyền khai thác toàn bộ T1 cho Vietjet Air rất dễ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng. Hiện tại, Vietjet Air chính là đối thủ đáng gờm nhất của Vietnam Airlines khi trong quý I/2015, thị phần hàng không của Vietjet Air đã chiếm 32%. Việc này đồng nghĩa với việc thị phần của Vietnam Airlines bị giảm.

Theo ông Lại Xuân Thanh, mặc dù ACV chưa lựa chọn phương án nào song cũng nghiêng về phương án, bán sảnh E cho Vietjet Air, còn nhà ga T1 sẽ nhượng lại cho Vietnam Airlines. Được biết, việc khai thác tại sảnh E của Vietjet Air đang gặp khó khăn vì đây là phần cơi nới thêm của nhà ga T1 trong khi chờ đợi nhà ga T2 hoàn thành, hạ tầng còn thiếu. Trong trường hợp, Vietjet Air không mua sảnh E thì theo ông Lại Xuân Thanh, Bộ GTVT vẫn nhượng lại quyền khai thác nhà ga T1 (không bao gồm sảnh E) cho Vietnam Airlines.

Trong tháng 3 này, Cục Hàng không sẽ trình bộ GTVT các danh mục, hình thức đầu tư tại các sân bay. Đồng thời, cũng sẽ trình bộ phương án xử lý đối với nhà ga T1 Nội Bài.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang