Phát hiện sơn nhiễm độc chì dễ khiến trẻ bị thiểu năng trí tuệ

author 07:19 20/09/2014

(VietQ.vn) - Hiện nay, việc sử dụng sơn nhiễm độc chì trên toàn cầu đã giảm nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra khá phổ biến tại khu vực Châu Á gây nhiều nguy hại cho người dân, thậm chí có thể khiến trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.

Theo thống kê từ một báo cáo của  Đại học New York năm 2013 về chi phí từ chì đối với nền kinh tế của các nước đang phát triển cho thấy, việc tiêu thụ hóa chất độc hại này đã tăng lên kể từ năm 1970, mặc dù hiện tượng xăng pha chì đã gần được loại bỏ hoàn toàn. 

Sơn tường có thể khiến trẻ bị thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng

Sơn tường có thể khiến trẻ bị thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Chì được sử dụng trong sơn bởi vì nó khiến sơn ít bị rạn nứt và tăng độ đậm đặc. Ngoài ra, chì  cho màu sơn trở nên tươi sáng hơn, điều này đồng nghĩa với việc nồng độ chì càng cao thì màu sơn càng sáng đẹp. Thêm nữa, chì còn có tác dụng làm sơn mau khô và chống rỉ sét. Tuy nhiên, sự nguy hiểm lại bắt đầu sau những năm sơn đã khô và bong tróc. Bụi từ những mảnh sơn hoặc bề mặt sơn chà nhám khiến người dân dễ hít phải bụi độc hại. 

Tiến sĩ Sara Brosché thuộc tổ chức IPEN, một tổ chức toàn cầu chuyên hoạt động nhằm loại bỏ các chất độc hại trên toàn thế giới, cho biết lý do tại sao chì vẫn được sử dụng phổ  biến tại Châu Á là vì thiếu hiểu biết và thái độ ngại thay đổi của người dân. 

Brosché cho hay, những người thu nhập thấp thường không sơn tường nhà, tuy nhiên khi thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu đang nổi lên thì lượng người có khả năng sơn đồ nội thất và ngoại thất tại nhà, trong các trường học cũng tăng lên đáng kể. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ có 30 quốc gia đã hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng chì trong sơn còn lại hầu hết các quốc gia khác chỉ có những hướng dẫn về loại độc chất này. WHO đã kết hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thực hiện "Liên minh toàn cầu về loại bỏ chì trong sơn" nhằm nâng cao số quốc gia loại bỏ chì lên 70 nước vào năm tới. 

Trong khi theo số liệu báo cáo từ Liên minh châu Âu và IPEN 2014 tại khu vực Châu Á cho thấy, mặc dù Philippines đã có những quy định cho vấn đề này, tuy nhiên hàm lượng chì vẫn vượt mức cho phép. 

Đặc biệt, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn vì trên thực tế các khu công nghiệp sử dụng sản phẩm chì lại rất gần khu dân sinh. Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho hàng loạt trường hợp bị ngộ độc chì trong những năm gần đây. Ngay cả dụng cụ nhà bếp cũng được chứng minh có chứa chì.

 

 

Công bố vào tháng Tám năm nay, một nghiên cứu của Đại học Ashland ở Mỹ cho thấy, một lượng lớn chì có thể hòa tan vào các vật dụng nấu ăn bằng kim loại khi đun nóng. Trên khắp châu Phi và châu Á, dụng cụ nấu ăn bằng phế liệu kim loại rất phổ biến, ngoài ra chì còn có thể có trong các bộ phận xe hơi và vật liệu xây dựng. 

Ngay cả với hàm lượng chì ở mức giới hạn được WHO cho là an toàn thì vẫn có thể gây ra những hậu quả đảo ngược như tổn thương thận, cao huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Phụ nữ mang thai tích tụ trong cơ thể sẽ rất nguy hại cho trẻ sơ sinh. 

Một báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu môi trường ở Viện Blacksmith New York cho thấy, nhiều trẻ em tiếp xúc với chì trong thời thơ ấu khi lớn lên sẽ có chỉ số thông minh thấp hơn và còn gây hại vĩnh viễn cho não.Tiếp xúc với chì ở mức độ cao có thể gây hôn mê, co giật, thậm chí là tử vong, ngoài ra đối với những đứa trẻ sống sót vẫn có thể bị chấn thương vĩnh viễn cả về vật chất lẫn tinh thần. 

WHO ước tính mỗi năm có khoảng 600.000 trường hợp trẻ em bị thiểu năng trí tuệ vì tiếp xúc với chì. 

Báo cáo năm 2014 về dự án loại bỏ sơn nhiễm chì tại Châu Á khẳng định rằng "một số quốc gia châu Á đã điều chỉnh hàm lượng chì trong các loại sơn trang trí ở mức hạn định," bao gồm cả Singapore và Sri Lanka. Tuy nhiên, hầu hết các nước vẫn sử dụng các loại sơn có hàm lượng chì cao vì nhận thức của người dân về vấn đề này là điều vô cùng quan trọng. 

Vì vậy, theo IPEN cách tốt nhất để loại bỏ chì khỏi sơn là cần có yêu cầu ràng buộc về mặt pháp lý, hành động của của các công ty được ủy quyền và  hệ thống chứng chỉ quốc gia của mỗi nước. 

Linh Nguyễn


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang