Tạm dừng lưu thông và sử dụng thực phẩm BVSK DREAM MEN của Công ty Dược phẩm Capital

author 15:51 18/01/2024

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm thông báo tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng hàng hóa là lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DREAM MEN của Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra thông báo số 102/TB-ATTP ngày 15/01/2024 về tạm dừng lưu thông hàng hoá đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DREAM MEN của Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm thông báo tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng hàng hóa là lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DREAM MEN (Số lô: 01-2023, NSX: 10/06/2023, HSD: 10/06/2026, quy cách đóng gói: 12 hộp x 4 viên) kể từ ngày 12/01/2024. Tổ chức công bố sản phẩm là Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital (địa chỉ tại số 76/32 phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe DREAM MEN vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Ảnh minh hoạ

Theo Cục An toàn thực phẩm, lý do tạm dừng lưu thông lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DREAM MEN nêu trên là do sản phẩm không thể hiện xuất xứ hàng hóa. Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 12/01/2024). Hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Với một số quy định mới cần chú ý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trườngnhư sau:

* Tại khoản 5, điều 1. sửa đổi, bổ sung (điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa:

1. Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:

a) Tên hàng hóa;

b) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;

c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

3. Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.

a) Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.

b) Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang