Tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối

author 06:32 15/08/2023

(VietQ.vn) - Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Theo Bộ TT&TT, Việt Nam đã tiếp cận chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách về quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam, nhất là đối với các loại tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo và các hoạt động liên quan.

Ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Hoàn thiện Khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” với quan điểm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ xảy ra; đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan.

Trước đó, theo Thông cáo báo chí ngày 27/02/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có ý kiến “bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhân và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khác hàng”. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự.

Nhằm tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 nêu rõ, để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan tập trung các nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Bộ Tài chính bước đầu triển khai nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo, cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

Ngày 17/2/2021, Bộ Tư pháp đã có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo đã nêu nhiều vấn đề về thực tiễn cũng như các đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phạm vi trách nhiệm quản lý.

Ở góc độ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan đã có nhiều hoạt động chủ động và tích cực. Ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TT về Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, đưa chuỗi khối là một trong những công nghệ chiến lược, cần ưu tiên nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng, phát triển.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, trong đó chuỗi khối là một trong các sản phẩm của công nghệ chủ chốt cùng với Trí tuệ nhân tạo.

 Ảnh minh hoạ

Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển các nền tảng số Make in Vietnam với nhìn nhận, nền tảng số Make in Vietnam được coi là hạ tầng mềm của không gian số, giúp giải quyết các bài toán chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, tạo đòn bẩy để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế. Với chiến lược phát triển các nền tảng số Make in Vietnam, các doanh nghiệp Việt sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động.

Từ đó, tạo ra các sản phẩm công nghệ của người Việt, do người Việt làm chủ và phát triển ngay tại thị trường Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm của Việt Nam, xác lập vị thế Việt Nam trên “bản đồ công nghệ số” của thế giới . Nằm trong chuỗi các hoạt động này, ngày 13/8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức ra mắt nền tảng chuỗi khối akaChain, một trong số những nền tảng, giải pháp chuyển đổi số Make in Vietnam do Tập đoàn FPT phát triển.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, công nghiệp công nghệ số bao gồm các hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số là một trong những ngành công nghiệp nền tảng của nền công nghiệp quốc gia, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đánh giá tiềm năng và nhìn nhận vai trò quan trọng của các công nghệ số tiên tiến, trong đó có công nghệ chuỗi khối, tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan tới chuỗi khối, như là (1) giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối; (2) giao Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nhiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt pháp mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai Chính phủ số. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số.

Về thách thức, rào cản khi ứng dụng và phát triển chuỗi khối, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dự án ứng dụng cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ chuỗi khối tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên phải kể đến là việc Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý cho chuỗi khối khiến nhiều startup còn ngần ngại. Việc đặt trụ sở ở Singapore giúp các startup dễ dàng kêu gọi vốn và nhận được khoản tiền đầu tư nhanh hơn vì pháp luật ở đây quy định rõ ràng. Khung pháp lý rõ ràng cho các dự án blockchain ở Việt Nam là điều ưu tiên hàng đầu nhằm tạo cơ hội phát triển và đi đầu về công nghệ cho Việt Nam.

Một trong những vấn đề lớn nhất là chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm đồng bộ với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề thứ hai là tính bảo mật, an toàn thông tin của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có nhiều trường đại học ở Việt Nam phát triển chương trình đào tạo nhân sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực blockchain.

Thị trường crypto (tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số) có sự tương quan lớn với thị trường tài chính truyền thống, trong khi Việt Nam chưa phải là quốc gia có sức hút về thị trường tài chính cao trên thế như Mỹ, Singapore. Do đó, doanh nghiệp crypto ở Việt Nam gặp rất nhiều cạnh tranh và khó tận dụng nguồn lực trong nước.

Cần nói thêm rằng, hầu hết vướng mắc về khung khổ pháp lý chủ yếu liên quan đến việc huy động vốn, ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán, tiền tệ, tài chính, giao dịch và vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến định danh. Trong khi, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không gặp vướng mắc về pháp lý khi triển khai các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các lĩnh vực, hoạt động khác.

Với đặc thù là quốc gia có dân số trẻ năng động, tiếp cận nhanh với công nghệ cao, sở hữu lực lượng lao động dồi dào trong ngành công nghệ thông tin, Việt Nam là đất nước có lợi thế trong lĩnh vực chuỗi khối. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các nhà phát triển, nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và các tổ chức muốn tiếp cận với chuỗi khối phải liên tục cập nhật để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu này.

Tóm lại, công nghệ chuỗi khối được đông đảo giới nghiên cứu, tư vấn và nhiều tổ chức lớn như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quố tế (IMF),... đánh giá là công nghệ trung tâm của nền kinh tế số do có thể tận dụng được tính minh bạch, xác thực và toàn vẹn của dữ liệu trong việc thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, giúp cải thiện hiệu quả hoặc cho phép thực hiện những mô hình kinh doanh, quản trị mới so với truyền thống. Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược quốc gia, lộ trình thực hiện, xây dựng các chương trình thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối như là Trung Quốc, Úc, Đức, UAE, Malaysia, Hàn Quốc,... để khai thác các tiềm năng to lớn của công nghệ này phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong số đó cũng có nhiều nước xác định vai trò quan trọng của chuỗi khối như là cơ hội để phát triển bứt phá, vươn lên.

Tại Việt Nam, công nghệ chuỗi khối thời gian qua đã có sự phát triển khá nhanh chóng và mạnh mẽ là do phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Ngoài ra công nghệ chuỗi khối cũng đang thu hút các cộng đồng không như người lớn tuổi, không hứng thú với công nghệ vì các hình thức đầu tư mới như tiền ảo, NFT hay metaverse. Đây là lợi thế rất lớn để giúp Việt Nam phát triển, ứng dụng công nghệ chuỗi khối.

Chúng ta cũng đang có cơ hội rất lớn để phát triển, dẫn đầu về công nghệ chuỗi khối. Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động số lớn, có số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh khổng lồ và đang tăng nhanh sẽ tạo nên những môi trường hấp dẫn để phát triển công nghệ chuỗi khối. Deloitte đã dự báo, công nghệ Metaverse sẽ đóng góp vào nền kinh tế của Việt Nam giá trị khoảng 9-17 tỷ USD vào năm 2035, tức 1,3-2,4% của GDP quốc gia.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn, như về hành lang pháp lý, thể chế tạo thuận lợi cho sự phát triển, ứng dụng công nghệ chuỗi khối, nguồn nhân lực hay các nền tảng đề phát triển công nghiệp chuỗi khối.

Định hướng chiến lược mà Đảng, Chính phủ đặt ra là “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái". Công nghệ chuỗi khối là một trong những cơ hội, công nghệ mới của CMCN 4.0, mặc dù công nghệ chuỗi khối vẫn còn mới và tồn tại nhiều bất cập, nhưng những cơ hội và lợi ích mà công nghệ chuỗi khối mang lại là vô tận.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối sẽ là tiền đề để huy động nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia vào công cuộc phát triển công nghiệp công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang