Tết Đinh Dậu 2017: Làm thế nào để tránh mắc bệnh trong dịp tết

authorTrần Thanh 16:22 17/01/2017

(VietQ.vn) - Tết Đinh Dậu 2017, thời tiết chuyển mùa, độ ẩm trong môi trường thay đổi thất thường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Sự kiện: Tết Đinh Dậu 2017

Ở trẻ em, các bệnh thường gặp dịp này gồm bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm phế quản, tay chân miệng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. BS Khương Thành Vinh (BV Sản Nhi Bắc Ninh ) cho biết, viêm đường hô hấp là căn bệnh trẻ thường gặp vào thời điểm tết Nguyên Đán bao gồm:

Viêm đường hô hấp trên cấp tính như: viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và việc ăn uống của trẻ. Bệnh có thể do tác nhân là vi rút hoặc vi khẩn gây ra.

Viêm đường hô hấp dưới như: viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản… nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể gây hiểm nguy cho sức khỏe của trẻ.

Bệnh cúm ở trẻ em: rất thường gặp trong mùa lạnh, khả năng trẻ em bị nhiễm chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm, nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tết Đinh Dậu 2017: Làm thế nào để tránh bệnh trong dịp tết

Các chuyên gia khuyến cáo, dịp Tết, nguy cơ mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng cao. Ảnh minh họa 

Bệnh hen suyễn: rất thường gặp vào thời khắc giao mùa, trẻ em có tiền căn dị ứng và hen suyễn, sẽ rất dễ lên cơn “hen” khi thời tiết trở lạnh đột ngột.

Bên cạnh đó, rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do thói quen sinh hoạt thất thường và do thức ăn cho trẻ chưa đảm bảo an toàn.

“Những ngày Tết, trẻ thường ham vui nên quên ăn, dẫn đến tình trạng trẻ bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường, không đủ chất dinh dưỡng làm “đảo lộn” đồng hồ sinh học của hệ tiêu hóa ở trẻ. Mặt khác, để chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết, nhiều phụ huynh thường có thói quen “chất” đầy thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần. Điều này dẫn tới nguy cơ thực phẩm tươi sống có thể bị nhiễm khuẩn trong khi bảo quản. Hơn nữa, việc đồ ăn từ bữa này “lưu cữ” sang bữa khác cũng thường diễn ra trong những ngày Tết. Nếu không được xử lý đúng cách, những loại đồ ăn này có thể gây hại đến hệ tiêu hóa của trẻ”, BS Trần Văn Đào Khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phân tích thêm trên báo Gia đình và xã hội. 

BS Trần Văn Đào cho hay, ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón.Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Triệu chứng của bệnh là trẻ đại tiện ra phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kèm nôn, sốt cao. Bên cạnh đó, nếu cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, nhiều thịt và uống nhiều các loại nước ngọt có gas thì nguy cơ bị táo bón rất cao, gây cho trẻ cảm giác khó chịu và giảm cảm giác ngon miệng trong các bữa ăn.

Còn với người lớn, các bệnh hay gặp trong dịp Tết phải kể đến cúm, sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tình trạng ngộ độc rượu bia ở nam giới. Theo thống kê, Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ rượu bia thuộc hàng nhất nhì thế giới.

Theo TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), nếu uống nhiều rượu một lúc sẽ dẫn đến ngộ độc rượu cấp, nhất là việc sử dụng rượu kém chất lượng có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nặng như hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch, viêm tụy cấp. Nếu uống nhiều nữa sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa...

Ngoài ra, trong dịp Tết, những người bị tiểu đường (đái tháo đường) cũng là đối tượng dễ tái phát bệnh. Bởi lẽ, các thức ăn truyền thống của ngày Tết vốn không thích hợp cho người tiểu đường vì có quá nhiều chất béo như thịt, giò chả hoặc dễ làm tăng đường máu như xôi, bánh chưng… Thực tế, các bác sĩ cho biết, những năm gần đây, cứ sau dịp Tết cổ truyền, hàng trăm người bệnh bị tiểu đường phải đến với các khoa nội tiết và đái tháo đường vì bị tăng đường máu, nhiều người ở trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, thậm chí có nhiều người bệnh bị tử vong do đến cấp cứu quá muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh tiểu đường không thực hiện đúng chế độ ăn và điều trị bệnh. Rất nhiều người đã chủ quan, tự ý bỏ điều trị, uống thuốc không đều, uống quá nhiều rượu bia.

Cần làm gì để tránh bệnh vào dịp tết

Theo bác sĩ Trần Thế Anh, Khoa Dinh dưỡng, BV Bạch Mai Hà Nội thì tết ăn uống cần chú ý “3 ít 2 nhiều”:

"3 ít” là chỉ ít chất béo, ít mặn và ít đường. Do chất béo bão hòa sẽ tăng hàm lượng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Quá nhiều muối sẽ dẫn đến huyết áp cao. Thức ăn và đồ uống chứa đường dễ gây sâu răng, tăng cảm giác no cho cơ thể, ảnh hưởng đến việc ăn uống bình thường, thời gian dài như vậy sẽ làm cho dinh dưỡng không đủ.

“2 nhiều” là chỉ ăn nhiều cá và nhiều hoa quả, rau xanh. Bởi vì chata acid béo trong cá giúp phòng ngừa gây ra bệnh tim mạch vành. Hoa quả rau xanh có thể cung cấp phần lớn vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, hoa quả rau xanh nên chiếm trên 1/3 lượng dung nạp thức ăn hàng ngày.

Theo BS Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng Quốc gia, đối với trẻ em, sau dịp Tết thường thấy có hai tình trạng xảy ra, một là nhiều cháu rơi vào tình trạng ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ xào rán khiến tăng cân vù vù dẫn đến béo phì. Trường hợp còn lại là do bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con nên trong dịp Tết, các cháu thường ăn uống thiếu khoa học, dẫn tới việc bị rối loạn tiêu hóa, bị sụt cân, suy dinh dưỡng.

Vì vậy, BS Lê Thị Hải khuyến cáo, phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý vào dịp Tết nên cố gắng giữ cho nhịp độ sinh hoạt của trẻ đều đặn, tránh tình trạng “no dồn đói góp” gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Để phòng các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa của trẻ, phụ huynh nên chuẩn bị một số thuốc sẵn sàng trong tủ thuốc gia đình như vài gói Oresol dùng để bù nước trong trường hợp nôn, tiêu chảy. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như: Chán ăn, bỏ bú, đau bụng, mất nước, sốt cao… sau 2 ngày vẫn chưa khỏi thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được dùng thuốc một cách tùy tiện.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang