Thời gian qua, doanh nghiệp Việt đã phát triển như thế nào?

author 15:33 09/10/2023

(VietQ.vn) - Trong 3 năm qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Việc ban hành chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 116,8 nghìn, giảm 13,4% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 1.611,1 nghìn tỷ đồng, giảm 27,9%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2021 là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 148,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,1% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 1.590,9 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước.

Nếu tính cả 3.172,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 59,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 38,8% so với năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2022 lên gần 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm trước. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm trước; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong 3 năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức.

9 tháng năm 2023, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có trên 165 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó đa số là doanh nghiệp thành lập mới (trên 116 nghìn doanh nghiệp). Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (165,2 nghìn doanh nghiệp) vẫn lớn hơn số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường (135,1 nghìn doanh nghiệp), cho thấy lực lượng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, là kết quả đáng ghi nhận khi đặt trong bối cảnh quốc tế, trong nước có rất nhiều khó khăn, biến động.

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian hỗ trợ của Nghị quyết chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn. Trong đó, đối tượng doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi, giảm bớt khó khăn để sớm quay trở lại đà tăng trưởng.

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; hơn 30 đối tác có quan hệ từ đối tác toàn diện trở lên; đã ký kết 16 FTA; trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP); đặc biệt chúng ta vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, trong đó quan hệ kinh tế – thương mại là trọng tâm phát triển khiến thị trường quốc tế ngày càng rộng mở, tạo điều kiện không nhỏ cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở trong nước; bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất khu vực, thế giới thời gian tới cho thấy thị trường trong nước tương đối lớn, tiềm năng phát triển cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ.

Cùng với đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút FDI, đặc biệt trong xu thế chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất hiện nay.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang