Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn buôn bán, vận chuyển ở nhiều địa phương

author 13:33 28/11/2023

(VietQ.vn) - Vì lợi ích các đối kinh doanh vẫn dùng mọi thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng để tiêu thụ thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.

Câu chuyện thực phẩm bẩn luôn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của xã hội bởi những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, vì mục tiêu lợi nhuận, bất chấp pháp luật, các đối tượng kinh doanh, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chế biến... thực phẩm bẩn vẫn dùng mọi thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng nhất là trong thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao.

Các tỉnh liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn 

Tuy không phải là “điểm nóng” về địa bàn xuất hiện thực phẩm bẩn nhưng tình trạng này tại Vĩnh Phúc thời gian qua đã có những chiều hướng phức tạp. Riêng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, toàn tỉnh đã xử lý, phạt hành chính 13 cơ sở với số tiền trên 75 triệu đồng. Đơn cử, ngày 26/7/2023, tại tỉnh lộ 307 thuộc địa bàn xã Quang Yên, Công an huyện Sông Lô đã tiến hành kiểm tra đột xuất xe ô tô mang biển kiểm soát 88C-209.36 chở 7 cá thể lợn, trong đó, 5 cá thể đã chết, được mổ phanh, còn nguyên lông, da bị xuất huyết, bốc mùi hôi tanh và 2 cá thể vẫn còn sống trong tình trạng khó thở với tổng trọng lượng lên tới 550kg. Ngày 15/11, Đội QLTT số 1 phát hiện hộ bà Nguyễn Thị Vân đang có hành vi sản xuất, chế biến 500 kg mỡ lợn tại nhà ở đường Hùng Vương, phường Đồng Tâm. Toàn bộ mỡ lợn đã có màu đen kịt bốc mùi hôi nồng nặc.

Thực phẩm bẩn gây ra nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ảnh: Thu Thủy

TP. Hà Nội luôn là địa bàn nóng về kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng năm 2023, toàn TP Hà Nội đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, có 709 cơ sở bị hủy sản phẩm với tổng số 199 loại sản phẩm; 67 cơ sở bị đình chỉ; 2.886 cơ sở nhắc nhở tại chỗ. Vụ việc thu giữ điển hình, vào ngày 20/9, Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP. Hà Nội đã phát hiện trên xe có 1.250kg cánh gà do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. 

Cuối tháng 9/2023, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Lào Cai cũng đã liên tiếp phát hiện hàng trăm kg xúc xích đông lạnh, trễ lợn, hàng nghìn cánh vịt ăn liền không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã bị thu giữ, tiêu hủy. Trong đó, có nhiều lô hàng xuất hiện tình trạng chảy nước, bốc mùi hôi thối. Ngày 3/10, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành tiêu hủy 3 lô hàng gồm: 3.140 bánh Trung thu, miến hộp ăn liền, 520kg trứng gà non và 3.870 sản phẩm trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tiếp đến là tỉnh Thanh Hóa, ngày 2/10/2023 Đội QLTT số 10 - Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Thanh Hóa kiểm tra phát hiện và tạm giữ 1.287 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hết hạn sử dụng. Những sản phẩm bị thu giữ chủ yếu là bột pha chế trà sữa, cà phê, kem, ca cao và các loại thực phẩm như sụn lợn, nầm lợn, khoai dẻo, bò khô...

Cũng liên quan tới hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn, ngày 4/10, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông huyện Diễn Châu - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An phát hiện phương tiện đang vận chuyển 150kg thịt chim đông lạnh đựng trong 4 thùng xốp lớn, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối. 

Ngày 5/10/2023 Đội QLTT số 5, Cục QLTT Hưng Yên tiến hành khám phương tiện vận tải và phát hiện gần 1,4 tấn thịt lợn đang trong quá trình phân hủy, biến đổi màu sắc, bốc mùi ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh thú y, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Số thịt lợn bẩn này đã bị buộc phải tiêu hủy ngay.

Cần chế tài nghiêm khắc, không khoan nhượng hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn

Các chuyên gia y tế cho rằng, thực phẩm bẩn chính là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng bệnh tật, thậm chí dịch bệnh, có thể đe dọa hoặc cướp đi sinh mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên “cuộc chiến” ngăn ngừa thực phẩm bẩn vẫn còn không ít cam go, cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Lan tỏa rộng rãi thông điệp nói “không” với thực phẩm bẩn trong cộng đồng nhằm ngăn chặn, tiến tới loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống xã hội luôn là việc làm hết sức cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng, không khoan nhượng.

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Do đó, chúng ta cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Thực tế, hiện các chế tài xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm đã có từ nhiều năm nay. Cụ thể, tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Theo đó, tùy từng hành vi cụ thể của đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt khác nhau tùy thuộc vào giá trị thực phẩm vi phạm. Thông thường mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức hoặc mức phạt tối đa được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như: Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang