Tìm giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

author 19:23 18/09/2023

(VietQ.vn) - “Tác giả ký tên vào một cuốn sách giả, sách lậu chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó, tự nhiên trở thành đồng lõa với những kẻ làm sách lậu”, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á vừa diễn ra tại TP.HCM, câu chuyện vi phạm bản quyền, nhất là trên không gian mạng lại được thảo luận sôi nổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng”. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết, bảo vệ bản quyền là một trong hai trụ cột (cùng với phát triển văn hóa đọc) để thúc đẩy ngành xuất bản phát triển. Do đó, hội thảo này là cơ hội cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.

Hội thảo tập trung vào nhóm chủ đề như: Nhận diện hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” nhận đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của cơ quan chính phủ, Hội và chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.

Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cũng cho biết, vi phạm bản quyền sách đã trở thành vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các nhà xuất bản sách.

"Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp", ông Arys Hilman Nugraha cho biết.

Năm 2019, 11 nhà xuất bản thuộc Ikapi báo cáo sách bị vi phạm bản quyền, thiệt hại lên tới 7,5 triệu USD. Con số thiệt hại thực tế chắc chắn còn lớn hơn khi số lượng thành viên Ikapi năm đó là khoảng 1.600 thành viên.

Trong buổi hội thảo này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trải lòng về nạn sách giả, sách lậu. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định, sách giả, sách lậu là tệ nạn có tác động rất xấu đến sự phát triển văn hóa đọc, làm lu mờ giá trị và vẻ đẹp của sách trong đời sống tinh thần của xã hội. 

Trong những dịp đi giao lưu và tặng chữ ký cho bạn đọc, ông nhiều lần rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười" vì sách giả, sách lậu. "Các em đưa sách cho tôi ký tên nhưng khi nhận ra đó là sách giả, sách lậu, tôi đành phải lịch sự từ chối và nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu tại sao tôi từ chối”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh buồn bã nhớ lại.

“Thông thường, nếu lúc đó có một cuốn sách thật trên bàn, tôi sẽ vui vẻ đổi cho các em. Không có sách, tôi sẽ ký vào một tấm thiệp chẳng hạn để các em có cái đem về làm kỷ niệm. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có sẵn sách hay thiệp bên cạnh. Hầu hết trường hợp, các em lỡ mua nhầm sách giả, sách lậu chỉ biết buồn bã và lủi thủi ra về.

Những lúc gặp tình huống như vậy tôi rất đau lòng nhưng không biết làm gì. Nhà văn chỉ biết viết sách, nhà văn không có công cụ để chống sách lậu", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.

“Nhà văn viết cho trẻ em cũng mỏng manh như các độc giả bé thơ của mình. Có em đứng xếp hàng bốn, năm tiếng đồng hồ dưới nắng dưới mưa, đến khi gặp tác giả mới bàng hoàng biết được cuốn sách trên tay mình là sách lậu. Nhìn các em bật khóc quay ra, tôi vô cùng sượng sùng, thất vọng, thậm chí khủng hoảng. Tôi tin không nhà văn nào muốn rơi vào tình cảnh trớ trêu này, dù chỉ một lần trong đời”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự.

Rõ ràng, thiệt hại mà những kẻ làm sách giả, sách lậu gây ra cho đời sống tinh thần của độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi còn lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với những thiệt hại về kinh tế. Chuyện sách giả, sách lậu đã diễn ra từ lâu, nó như căn bệnh mãn tính từng ngày làm mưng mủ tâm hồn bạn đọc và hủy hoại những gì tốt đẹp nhất mà các nhà văn hóa, nhà giáo dục muốn đem lại cho đời sống tinh thần của con người. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có những trải lòng về tình trạng vi phạm bản quyền, nạn in và bán sách giả.

“Nhiều lúc tôi không hiểu nổi tại sao nạn in và bán sách giả, sách lậu vẫn ngang nhiên tồn tại đến tận hôm nay. Sách giả, sách lậu có mặt ở khắp nơi, ở các trường học, thậm chí ở các hội sách, bây giờ được rao bán công khai trên mạng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bức xúc nói.

Theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã rất nghiêm trọng. Nó giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng.

Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh đất nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng. Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này nó sẽ cho thấy quyết tâm làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chỉ các cơ quan chức năng quản lý về kinh tế và văn hóa mới có đủ công cụ để trấn áp tệ nạn sách giả, sách lậu, bởi vì không ai có thể “chống giặc bằng tay không”. “Tôi hy vọng các nhà thực thi luật pháp nghiêm minh hơn và các nhà làm luật cần rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh tội danh, khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ sức răn đe. Nếu chỉ phạt 30 triệu cho hành vi bất chính thu lợi tới 300 triệu hoặc nhiều hơn nữa thì con số nhỏ nhoi này giống như là khuyến khích hơn là trừng phạt. Và đối tượng làm sách giả, sách lậu sẽ không bao giờ chùn tay”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.

Để đẩy lùi tệ nạn này, ngoài sự chung tay của toàn xã hội, ý thức của cộng đồng, các cơ quan có thẩm quyền phải giữ vai trò chủ chốt. Bởi nếu chỉ nạn nhân của tệ nạn này là các nhà văn, đơn vị xuất bản lên tiếng như lâu nay thì hành trình chống sách giả, sách lậu sẽ chẳng thể nào đến đích.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang