Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Mỹ, Ấn Độ sẵn lòng ‘thách thức’ Trung Quốc ở biển Đông

author 06:39 03/11/2014

(VietQ.vn) - Những tin tức gần đây về tình hình Biển Đông, nhiều học giả khẳng định Mỹ và Ấn Độ ủng hộ Việt Nam, sẵn sàng ‘thách thức’ và đón nhận mọi thách thức từ phía Trung Quốc ở biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Vì sao Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông?

Từ những thông tin mới đây về tình hình Biển Đông, giới quan sát nhận định, sự di chuyển tự do của các tàu chiến và máy bay quân sự qua Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và Washington có thể sẵn sàng tham chiến để bảo vệ điều đó.

Bình luận về điều này, Tiến sĩ Ian Ralby, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức cố vấn an ninh I.R. Consilium, cho rằng, căng thẳng ở Biển Đông có thể khiến các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bên Bắc Kinh và Washington nghĩ đến chiến tranh. Khi Trung Quốc tìm cách khẳng định sự kiểm soát đối với các quần đảo và các vùng biển tranh chấp, nước này có thể muốn chặn các tàu chiến và máy bay quân quân sự của Mỹ đi qua Biển Đông. Điều này là không thể chấp nhận được đối với Mỹ, vốn cho rằng nước này có quyền hợp pháp khi đi qua những vùng biển như vậy.

Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Mỹ được tin rằng đã sẵn sàng cho cuộc chiến bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Mỹ được tin rằng đã sẵn sàng cho cuộc chiến bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Ảnh minh họa 

Có nhiều lý do tại sao Mỹ không muốn Trung Quốc thành công trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác nhau. Sự bá quyền của Trung Quốc trên khắp Biển Đông sẽ là một thất bại lớn trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nó cũng gia tăng đáng kể lãnh thổ hàng hải và sự tiếp cận các ngư trường và tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc. Một điều thậm chí còn tồi tệ hơn sự bá quyền của Trung Quốc là nước này có thể chiến thắng trong các tranh chấp lãnh thổ bằng sự bắt nạt, thù địch và vũ lực.  

Vì lý do này, Mỹ đang hối thúc Trung Quốc tuân thủ các tình trình giải quyết tranh chấp của Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - hiệp ước rộng lớn nhất từng được thông qua và là công cụ cơ bản về luật biển quốc tế. Mỹ không tham gia UNCLOS còn Trung Quốc thì có. Được biết, Mỹ công nhận UNCLOS là luật quốc tế thông thường nhưng lại không thừa nhận quyền tài phán của Tòa án quốc tế về Luật Biển, vốn có thể được kêu gọi để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hàng hải tại Biển Đông.

Theo cách hiểu của Trung Quốc về UNCLOS, Trung Quốc cho rằng các tàu chiến hoặc máy bay quân sự nước ngoài không được tư do đi qua EEZ của họ. Bắc Kinh đã cố gắng ngăn chặn các tàu hải quân, trong đó có một tàu của Ấn Độ, đi qua vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là thuộc EEZ của mình nếu nước này giành được các lãnh thổ tranh chấp và áp dụng quyền sở hữu pháp lý đối với các quần đảo ở Biển Đông. Bắc Kinh còn khẳng định rằng các hoạt động quân sự, các chuyến bay giám sát, khảo sát thủy văn và các hoạt động khác của Mỹ tại các khu vực mà Trung Quốc tự nhận thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình là vi phạm UNCLOS.

Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Sự bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông sẽ là thất bại cho chính sách xoay trục của Mỹ

Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Sự bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông sẽ là thất bại cho chính sách xoay trục của Mỹ. Ảnh minh họa 

Trong khi đó, Mỹ cho rằng không có sự hạn chế nào đối với các tàu quân sự hoặc máy bay quân sự bên trong các EEZ. Trung Quốc lại khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tiến sĩ Ralby phân tích, nếu Trung Quốc giành các lãnh thổ tranh chấp, Mỹ phải được Trung Quốc cho phép mới được cho các tàu hải quân hoặc máy bay quân sự đi qua hầu hết Biển Đông. Từ quan điểm chiến lược này, Mỹ không thể chấp nhận việc mất quyền tự do di chuyển đó qua điểm quá cảnh quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.Sự di chuyển tự do của các tàu chiến và máy bay quân sự qua Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và Washington có thể sẵn sàng tham chiến để bảo vệ điều đó.

Nhìn ở nhiều góc độ, vấn đề này thực chất có ý nghĩa sống còn đối với các lợi ích của Mỹ hơn là tình hình tại Ukraine hay sự nổi lên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông. Đó là lý do tại sao Mỹ có thể sẵn sàng tiến tới chiến tranh vì chuyện diễn giải một công ước quốc tế mà nước này không ký kết.

Ấn Độ ủng hộ Việt Nam, sẵn sàng đương đầu thách thức từ Trung Quốc

Trong một diễn biến khác, bình luận về mối quan hệ Việt - Ấn – Trung, học giả Rajiv Bhatia, giám đốc Hội đồng Sự vụ quốc tế Ấn Độ (ICWA) nhận định, Ấn Độ đã nghiêng hẳn về phía Việt Nam và chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với những thách thức của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Ấn Độ sẽ chuyển giao cho Việt Nam 4 tàu tuần tra biển

Tình hình Biển Đông ngày 3/11: Ấn Độ sẽ chuyển giao cho Việt Nam 4 tàu tuần tra biển. Ảnh minh họa

Có thể nói, cả Việt Nam và Ấn Độ đã có một bề dày quan hệ hợp tác, kết nối phong phú và trao đổi trong các lĩnh vực thương mại, văn hóa,ảnh hưởng tôn giáo và ý tưởng tồn tại. Chính những điều này cung cấp một nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị Việt - Ấn. Sự đồng cảm hậu thuộc địa và đoàn kết giữa 2 nước là rất mạnh mẽ. Do đó, việc cả Ấn Độ và Việt Nam đều đề cao độc lập dân tộc và chống lại quyền bá chủ đã tạo thành động lực mạnh mẽ để 2 nước trở nên gần gũi hơn. 

Theo lời học giả Rajiv Bhatia, quan hệ Việt - Ấn đã và đang nở hoa do nhiều yếu tố. Ở một mức độ nào đó, sự hung hăng khiêu khích của Trung Quốc có thể làm tăng quá trình này. Hợp tác song phương là vì lợi ích chung, hợp tác quốc phòng Việt - Ấn là phòng thủ một cách tự nhiên. 

Hợp tác năng lượng Việt - Ấn ở Biển Đông được dẫn đường bởi những tính toán lâu dài về thương mại và an ninh năng lượng chứ không hẳn liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Các xu hướng tích cực trong quan hệ song phương xuất phát mong muốn của cả Ấn Độ và Việt Nam về một môi trường Đông Á hòa bình và ổn định.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Dân Trí, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang