Vĩnh Phúc: Sản phẩm OCOP tăng hạng nhưng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững

author 14:09 09/05/2023

(VietQ.vn) - Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng hạng nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần có phương án tháo gỡ để phát triển bền vững.

Nhiều sản phẩm tại Vĩnh Phúc đạt xếp hạng 4 sao

Mới đây, theo Quyết định 898 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh (lần 1) năm 2023, theo đó tỉnh Vĩnh Phúc có 10 sản phẩm OCOP của 3 chủ thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xếp hạng 4 sao.

Cụ thể, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo có 7 sản phẩm Tacumin, mật ong Curcumin, mật ong quất, mật ong chanh leo, mật ong sữa chúa, mật ong hoa rừng, mật ong bánh tổ Tam Đảo. Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo có 2 sản phẩm là Hoa trà hoa vàng Tam Đảo và Trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo. Công ty TNHH Nấm Phùng Gia với sản phẩm nấm đùi gà Phùng Gia.

Sau khi được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm này tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.

Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Ảnh minh họa

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công bố công khai sản phẩm và tham mưu UBND tỉnh tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Đồng thời, hướng dẫn UBND huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và các chủ thể thực hiện việc sử dụng, in logo, thứ hạng sao lên sản phẩm được công nhận theo đúng quy định. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện việc kiểm tra định kỳ sản phẩm, đề xuất xử lý nghiêm nếu các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu logo OCOP và các quy định khác của pháp luật.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, sau 5 năm triển khai chương trình, Vĩnh Phúc có hơn 100 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng 3 sao trở lên. Trong số hơn 100 sản phẩm OCOP, có 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm truyền thống có chất lượng cao đã được thị trường trong nước tin dùng và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Thực tế cho thấy, chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn của tỉnh. Từ đó, góp phần phát triển và thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn.

Tuy nhiên có một thực tế là, mặc dù số lượng sản phẩm OCOP lớn song trên thực tế, người tiêu dùng rất khó tìm mua các sản phẩm chất lượng của tỉnh ở siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Hay nói cách khác, sản phẩm OCOP dù nhiều, nhưng lại chưa được “phủ sóng” ở các siêu thị khiến người dân khó tiếp cận, còn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vẫn chật vật tìm đầu ra. Các sản phẩm đang được giới thiệu, bày bán ở các gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP của tỉnh sức tiêu thụ không lớn do đối tượng khách hàng chủ yếu là khách du lịch.

Ghi nhận tại một số siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên cho thấy, trong khi các sản phẩm OCOP của địa phương vắng bóng thì thực phẩm, hàng hóa của các tỉnh bạn lại rất nhiều. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng trăn trở mà ngay chính các chủ thể OCOP cũng cảm thấy băn khoăn.

Từ thực tế này, ngành Công Thương sẽ tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi bán lẻ… giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội nâng cao sức tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Theo các chủ thể OCOP cũng như doanh nghiệp bán lẻ, để đưa các sản phẩm vào siêu thị đã khó, nhưng để người dân tin dùng hàng hóa của địa phương lại càng khó hơn. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ tối đa của ngành Công Thương và doanh nghiệp bán lẻ thì nhà cung cấp cần phải có chiến lược kinh doanh tốt để thúc đẩy sức mua hàng hóa trong siêu thị.

Theo đánh giá của ngành Công Thương, mặc dù hệ thống bán lẻ của tỉnh phát triển, nhưng để đưa thành công các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm mua sắm phải có sự đồng thuận, hợp tác từ 2 phía là nhà cung cấp và nhà bán lẻ. Các bên phải có sự trao đổi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để tìm tiếng nói chung trong kinh doanh. Có như vậy, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh mới có cơ hội, điều kiện phát triển theo hướng bền vững.

Với việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã bước đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa bền vững; một số chủ thể chưa chủ động các giải pháp để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế trong xây dựng chiến lược kinh doanh nên không ít sản phẩm đã được chứng nhận OCOP nhưng chưa tìm được đầu ra ổn định.

Cùng với đó, cần liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng được hệ thống, kênh bán hàng; tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường và chú trọng vào các hoạt động kích cầu tiêu dùng; gắn phát triển các sản phẩm OCOP với du lịch địa phương. Đồng thời, chủ động đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản phẩm để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

Đạt tiêu chuẩn OCOP đem lại lợi ích gì?

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Được biết Chương trình này khởi nguồn từ xứ Phù Tang từ thập niên 70 của TK trước. Tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 40 quốc gia học tập, triển khai thành công, đạt được những thành tựu to lớn từ chương trình này trong đó có cả Việt Nam. Thực chất, đây là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Mục đích chính là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu của OCOP có thể thấy rất rõ. Đó là phát triển hình thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm đậm chất truyền thống, có tiềm năng phát triển ở khu vực nông thôn. Từ đó thực hiện tốt tiêu chí đề ra trong bộ tiêu chí của chương trình nông thôn mới.

Nhìn chung, nếu thực hiện thành công chương trình OCOP thì vấn đề công ăn việc làm của người dân được giải quyết. Cùng với đó là thay đổi cách sản xuất, hướng tới nền kinh tế thị trường rộng lớn. Thêm nữa, việc thúc đẩy phát triển sản xuất này còn góp phần hạn chế “làn sóng” di cư từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm. Cuối cùng là tạo ra những sản phẩm chất lượng, phát triển du lịch địa phương.

Thực hiện thành công chương trình OCOP mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội. Không chỉ vậy, những địa phương, đơn vị sản xuất tham gia nếu đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ có rất nhiều thuận lợi.

Đối với người sản xuất: Nếu thực hiện thành công chương trình, người dân sẽ có công ăn việc làm. Khi thu nhập được cải thiện, mức sống của người dân tại vùng nông thôn cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng tới nền kinh tế thị trường.

Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội: Tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Không chỉ vậy, những mặt hàng này còn có cơ hội để vươn ra thị trường lớn, xuất hiện tên “kệ sản phẩm” của những thị trường nước ngoài. Điều này sẽ giúp tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn.

Mỗi xã, phường một sản phẩm, cơ hội việc làm của người dân vùng nông thôn cũng tăng lên. Từ đó làm giảm lượng người từ nông thôn đổ ra thành thị kiếm việc. Thêm vào đó, chương trình còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang