Xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo chất lượng cao- giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo bền vững

author 22:46 29/02/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại các siêu thị nước ngoài hiện chưa rõ nét. Cần có chiến lược xây dựng và quảng bá bài bản thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo bền vững.

Một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Ngày 29/2/2024, Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024 đã được Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức với chủ đề: "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024".

Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024

Thông tin tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện tượng thời tiết El Nino, xung đột địa chính trị và việc ban hành các lệnh cấm xuất khẩu gạo đột ngột của Ấn Độ là những nguyên nhân chính định hình thị trường thương mại gạo thế giới năm 2023.

Hầu hết các nước nhập khẩu lẫn xuất khẩu gạo lớn trong năm 2023 đều tập trung mối quan tâm cho vấn đề an ninh lương thực quốc gia, là nhân tố chính đẩy giá gạo thế giới tăng liên tục trong suốt một năm qua, có thời điểm lên cao nhất trong 15 năm.

Xuất khẩu gạo của các nguồn cung lớn như Thái Lan, Việt Nam đã tăng mạnh trong khi Pakistan và Myanmar giảm so với 2022 nhưng lại hồi phục đà xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2023. Riêng Ấn Độ giảm do chính sách hạn chế xuất khẩu gạo- vốn được đánh giá mang yếu tố chính trị nhiều hơn.

Đối diện với nhiều thách thức nhưng năm 2023 vẫn là năm đại thành công của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 14,4% về số lượng và trị giá tăng 35,3%, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn. Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 được xếp thứ ba sau Ấn Độ 17,5 triệu tấn và Thái Lan khoảng 8,8 triệu tấn.

Ba thị trường chủ lực về nhập khẩu, tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất là Philippines, Indonesia và Trung Quốc.

Đáng chú ý, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá xuất và giá trị gia tăng cao hơn so với năm trước.

Đặc biệt, trong năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 575 USD/tấn, tăng gần 89 USD/tấn. Đây là mức giá bình quân xuất khẩu năm cao nhất từ trước đến nay và tăng mạnh nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Thậm chí có nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ.

Tăng cường nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại nước ngoài

Tại hội nghị, ông Phùng Văn Thành- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin: Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam, với 85% sản lượng được nhập từ nước ta, 10% từ Thái Lan và còn lại đến từ các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Phùng Văn Thành dự báo, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó dự báo, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Vì vậy, ông Thành đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Cần có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam ở nước ngoài

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho rằng, cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp. Cũng như chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.

Ông Phạm Thế Cường- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia- quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cho biết, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu.

Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào giữa tháng 3/2024, sẽ khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục gia tăng mạnh.

Ông Cường dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường này.

Theo đánh giá của Thương vụ, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Indonesia, tuy nhiên, chủ trương duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, gạo Việt Nam gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao, trong khi nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét.

Vì vậy, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần luôn đảm bảo chất lượng gạo, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch. Đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế. Cơ hội tìm kiếm các thương nhân có đủ điều kiện nhập khẩu của Indonesia không nhiều. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng.

Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu, có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam, hiện gạo cao cấp ST25, Đài thơm 8, OM18 của Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi tại Indonesia- ông Phạm Thế Cường nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, năm 2024, dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung hạn hẹp. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Viêt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại- cho biết, để chuẩn bị cho những biến động sắp tới, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra.

Cụ thể hơn, ông Trần Quốc Toản- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Tăng cường tính linh hoạt trong tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc… khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ… Đặc biệt, tập trung tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 với kết quả cao nhất.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang