Rác thải nhựa: 'Thủ phạm' gây ô nhiễm môi trường, tạo ra hiệu ứng nhà kính
Nhiều ưu đãi hấp dẫn khi giao dịch thanh toán quốc tế tại SHB
Bắc Giang: Tổng giá trị doanh thu từ vải thiều ước đạt hơn 6.800 tỷ đồng
Hà Nội: Đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh gạo có dấu hiệu giả mạo thương hiệu đã được bảo hộ
Việt Nam có lượng rác thải nhựa lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới
Các nhà khoa học Mỹ và Canada đã tiến hành thí nghiệm với các chai nhựa, túi mua sắm, nhựa công nghiệp và hộp đựng thực phẩm. Trong số này, thành phần sản sinh ra nhiều khí gây hại nhất là nhựa polyetylen có trong túi mua sắm, cũng là loại polime tổng hợp được sản xuất và thải ra môi trường nhiều nhất trên thế giới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các loại nhựa khi phân hủy sản sinh ra các khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh như metan và etylen. Các khí gây hiệu ứng nhà kính được cho là thủ phạm làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây ra hiện tượng Trái Đất ấm lên và mực nước biển dâng cao, đe dọa đến nhiều cộng đồng sinh sống ven biển.
Dù chưa tính toán được lượng khí thải do nhựa phân hủy, song các tác giả nghiên cứu cho rằng cần sớm đưa ra con số cụ thể khi Trái Đất hiện đối mặt với hơn 8 tỷ tấn rác thải nhựa và lượng nhựa được sản xuất dự kiến tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Những nghiên cứu trước đó cho thấy kể từ năm 1950, hơn 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất ra, trong đó phần lớn thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp. Theo một nghiên cứu khác, đảo rác khổng lồ - nơi rác thải nhựa tụ lại ở Thái Bình Dương - lớn gấp 16 lần so với ước tính trước đó, gây đe dọa đến hệ sinh vật biển.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới trong đó, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho biết, chỉ có 10% lượng rác thải nhựa ở Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại 90% lượng rác thải nhựa sẽ bị chôn lấp, đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biển khác. Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các khu tập trung nhiều hoạt động du lịch.
Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất. Bên cạnh đó, nếu xử lý rác thải nhựa không đúng quy chuẩn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.
Việt Nam hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Theo đó, từ ngày 01/01/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, Đề án có mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy; Tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; Giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; Phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần… Đề án nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Liên quan tới các chất độc từ rác thải nhựa, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 4134/QĐ-BTNMT công bố mức sản xuất và tiêu thụ cơ sở các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát (HFC) của Việt Nam và tổng lượng tiêu thụ quốc gia giai đoạn 2024 - 2028.
Theo đó, mức sản xuất cơ sở các chất Hydrofluorocarbons (HFC) là 0 tấn CO2 tương đương. Mức tiêu thụ cơ sở các chất Hydrofluorocarbons (HFC) là 13.991.360 tấn CO2 tương đương. Tổng lượng tiêu thụ quốc gia giai đoạn từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2028 là 13.991.360 tấn CO2 tương đương.
Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đồng thời, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 1/1/2010, hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng).
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC). Lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.
Việt Nam đã triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2034 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045…
An Dương (T/h)