Xuất, nhập khẩu năm 2022 là một điểm sáng trong nỗ lực hồi phục sau đại dịch

author 16:47 31/01/2023

(VietQ.vn) - Phục hồi sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021. Đây được coi là điểm sáng trong năm 2022 và là bàn đạp, động lực cho năm 2023.

Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã gây ra nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, trong đó xuất, nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, các nước có xu hướng sử dụng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Năm 2022 cũng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, nửa cuối năm đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khi đã bắt đầu kiểm soát có hiệu quả và bước đầu vượt qua đại dịch. Tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước đạt 8,02% so với năm trước, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022. Trong bức tranh chung có nhiều điểm sáng, một trong số đó là hoạt động xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục vượt mốc 700 tỷ USD.

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định là tiền đề cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng vững, giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì được những kết quả ấn tượng trong năm 2022.

Xuất, nhập khẩu năm 2022 là một điểm sáng trong nỗ lực hồi phục sau đại dịch

 Xuất, nhập khẩu năm 2022 là một điểm sáng trong nỗ lực hồi phục sau đại dịch.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Trong năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.

Từ 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, xuất siêu hàng hóa của nước ta đạt 1,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 6,46 tỷ USD; năm 2019 đạt 10,57 tỷ USD, năm 2020 đạt 19,94 tỷ USD, năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên xuất siêu chỉ đạt 3,32 tỷ USD.

Năm 2022 dù còn gặp nhiều khó khăn sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và tình hình bất ổn trên thế giới, thành tích xuất siêu vẫn tiếp tục được giữ vững. Mặc dù quý I xuất siêu chỉ đạt gần 1,5 tỷ USD, sau đó trong quý II nhập siêu, nhưng với nỗ lực không ngừng trong quý III (xuất siêu hơn 6 tỷ USD) và quý IV (xuất siêu gần 4,5 tỷ USD), đến hết năm 2022 cán cân thương mại hàng hóa đã đạt xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, thành tích của hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2022 là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế nước ta vững bước vào năm 2023.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang