Báo tin về thực phẩm bẩn được thưởng tới 50 triệu đồng

author 15:20 09/12/2015

Thanh tra chuyên nghành bộ Nông nghiệp sẽ thưởng "nóng" 1-50 triệu đồng cho người tố cáo thực phẩm bẩn.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết người báo tin liên quan tới thực phẩm bẩn, nếu thông tin có giá trị sẽ được xem xét, thưởng "nóng" từ 1-50 triệu đồng.

"Tùy mức độ vi phạm của thông tin báo về, trên cơ sở đánh giá của các thành viên trong đoàn thanh tra, sẽ xác định mức thưởng nóng cho người báo tin thực phẩm bẩn", ông Dũng cho hay.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ NN&PTNT.

Trưởng phòng thanh tra cho biết thêm: "Đặc biệt, nếu thông tin ban đầu đơn giản nhưng thanh tra phát hiện đó là vụ việc nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, mức thưởng cũng lớn hơn mức tin tức ban đầu”.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng khẳng định sẽ đảm bảo một số cam kết về bảo mật thông tin với người cung cấp thông tin. Trường hợp người đưa thông tin sẵn sàng công khai danh tính, cơ quan này sẽ giới thiệu điển hình người đó tới đông đảo người dân. Nếu không muốn công khai, cơ quan này sẽ giữ bí mật theo yêu cầu.

Bên cạnh việc thưởng "nóng" cho người dân tố cáo các hành vi vi phạm tới thực phẩm bẩn, cơ quan Thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT còn công khai đường dây nóng (08042526/0917808113) và địa chỉ email ([email protected]) để nhận thêm tin báo của người dân.

Nhận định về việc quản lý chăn nuôi hiện nay, Trưởng phòng Thanh tra  cho biết: "Tôi từng nói rằng việc truy bắt chất cấm hiện nay giống như cảnh “thả gà ra đuổi”. Một bên cho nhập nhưng không quản lý được, một bên đi truy tìm nhưng vẫn chưa tìm được hết".

Ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, "đợt này Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Công thương sẽ cùng vào cuộc rất quyết liệt".

Đã bắt nhiều đối tượng, công ty buôn bán chất cấm

Trong một nỗ lực của ngành Nông nghiệp cùng sự vào cuộc của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49, sáng 8/12, một lượng lớn chất cấm chất Salbutamol (chất tăng trọng, tạo nạc) đang trong quá trình tiêu thụ đã bị bắt và thu giữ.

Các đối tượng bị bắt quả tang gồm Võ Văn Thanh (26 tuổi, quê Tiền Giang), Trần Công Đài (40 tuổi, quê Quảng Nam) và Trần Văn Bùi (39 tuổi, quê Sóc Trăng), Giám đốc Công ty TNHH thủy sản E-Birds tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Thanh và Đài là mắt xích của đường dây phân phối chất cấm này, thường xuyên lấy chất cấm từ Công ty TNHH Thủy sản E-Bird (ở số 98/15 Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh) giao cho các đầu nậu hưởng tiền chênh lệch.

Trước đó, nắm được nhu cầu của nhiều hộ chăn nuôi gia súc đặt vấn đề mua chất tạo nạc với giá cao, Thanh được Đài giới thiệu công ty của Trần Văn Bùi bán chất liệu này. Thanh mua chất tạo nạc giá 6 triệu đồng/kg, bán lại cho mối lái chăn nuôi ở TP.HCM và Đồng Nai giá 7 triệu đồng/kg (lời 1 triệu đồng/kg).

Tại Công ty TNHH thủy sản E-Birds, lực lượng chức năng phát hiện 17 loại hóa chất (cả dạng bột và nước) đựng trong nhiều thùng phuy, chai lọ, bao bì.

Số hóa chất này ông Bùi khai mua tại chợ Kim Biên (Q.5) với mục đích trộn thuốc thủy sản. Ngoài ra, có hàng ngàn bao bì các loại, trong đó có một số bao bì nhãn mác ghi: giúp “siêu tăng trọng, tôm lớn nhanh”, “kích thích tôm lột xác”... và nhiều chai lọ không nhãn mác.

Đặc biệt, lực lượng kiểm tra phát hiện được một thùng phuy màu xanh chứa 17,5kg bột trắng, mịn bên ngoài ghi dòng chữ  “Salbutamol sulphate bp2010”, nhập khẩu từ Ấn Độ.

Thùng phuy đựng Salbutamol nguyên chất.

Giám đốc E-Bird thừa nhận chất này ông mua từ một công ty dược ở Bình Thạnh, giá 2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, ông không biết hàng xuất xứ từ đâu. Hàng về, ông Bùi bán nguyên chất cho nhiều đầu mối với giá 2,5 triệu đồng/kg.

Theo một cán bộ điều tra, chất cấm chăn nuôi nguyên chất này được nhập qua nhiều công ty kinh doanh khác nhau. Các đầu nậu này sau đó mang phân phối cho các công ty sản xuất thức ăn, trang trại hoặc hộ chăn nuôi... để hưởng chênh lệch với giá 8 triệu đồng/kg. Chất cấm từ đây được pha chế trộn vào thức ăn, tỉ lệ 1kg chất cấm pha được cho 10 tấn thức ăn.

Đến tối 8/12, C49 cho biết đã bắt thêm hai đối tượng gồm Nguyễn Thế Hậu (Giám đốc một công ty sản xuất thuốc thú y-thủy sản có trụ sở tại Tiền Giang) và Lê Minh Tuấn (ngụ Q.Phú Nhuận) khi đang trên đường đi phân phối chất cấm, tổng cộng tang vật bị thu giữ 2,5kg salbutamol.

Trong 11 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm là:  Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương), gần nhất là ngày 25-11 phát hiện tại Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân, TPHCM).

Theo Báo Đất Việt


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang