Chương trình 68: 'Bà đỡ' tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho cộng đồng, doanh nghiệp

author 07:00 30/01/2017

(VietQ.vn) - Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã tạo ra một hướng đi mới trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH một cách bền vững.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 Ông Nguyễn Thanh Bình – GĐ Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ)

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ - Cục SHTT đã dành cho Chất lượng Việt Nam cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 đã kết thúc và được đánh giá là đã đạt được các mục tiêu, có hiệu quả về mặt kinh tế xã hội, xin ông cho biết những kêt quả nổi bật của Chương trình trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Qua 5 năm thực hiện, với những nỗ lực của Bộ KH&CN, Cục SHTT, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ban ngành và các địa phương, Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai khẩn trương theo đúng mục tiêu, nội dung, kế hoạch được phê duyệt và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng.

Đánh giá về mặt số liệu, Chương trình đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp kỹ thuật, đưa vào áp dụng thực tiễn 11 sáng chế; tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ tại 09 trường đại học, viện nghiên cứu; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 109 đặc sản địa phương mang địa danh; thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng..

Kết quả triển khai Chương trình giai đoạn 2011-2015 được xem như mô hình mẫu, là cơ sở thực tiễn để 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương mình nhằm huy động nguồn lực, lồng ghép với Chương trình của Chính phủ.

Về hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, Chương trình đã tạo ra một hướng đi mới cho các ban ngành, địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ. Chương trình đã góp phần đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, triển khai và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội; Huy động sự tham gia của đông đảo các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp nhằm chung tay, gắn kết trong việc duy trì uy tín, nâng cao giá trị và phát triển thương hiệu sản phẩm; Chương trình cũng đã đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh.

Với những kết quả như vậy, theo ông, Chương trình 68 còn những hạn chế nào cần được nhìn nhận?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên, Chương trình vẫn còn một số tồn tại như chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của mình. Một số nội dung chưa được triển khai như mong muốn.

Sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp còn hạn chế dẫn tới việc chưa tạo ra được liên kết bền vững giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, theo đó, hiệu quả bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa cao. Việc quản lý chỉ dẫn địa lý cần phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra mô hình phù hợp, đặc biệt là việc xác định cơ quan kiểm soát bên ngoài và cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Nhiều cơ quan được lựa chọn là cơ quan kiểm soát bên ngoài trong hệ thống cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể vẫn còn nhiều bất cập.

Được biết, Chương trình 68 giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vậy những nội dung chính của Chương trình trong giai đoạn mới là gì?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Như chúng ta đã biết, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, đồng thời, nằm đáp ứng nhu cầu bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, cộng đồng ngày càng gia tăng và sức ép cạnh tranh của công cuộc hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1062/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình 68 giai đoạn 2016-2020.

Chương trình được phê duyệt nhằm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; Hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn các sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chương trình sẽ thực hiện 04 nhóm nội dung lớn, bao gồm: Nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ; Hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn.

Ngay sau khi Chương trình giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt, Cục SHTT đã có những kế hoạch triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác tổ chức triển khai Chương trình đã được khẩn trương tiến hành, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã ra văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai và cơ chế tài chính thuộc Chương trình.

Ngay trong năm 2016, đã có 151 đơn vị đăng ký tham gia Chương trình, trong đó có 48 địa phương; 52 Tập đoàn, công ty; 09 hiệp hội; 38 Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và 5 đơn vị khác.

Tổng số dự án được đề xuất là 279 dự án, trong đó: 52 dự án áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích phục vụ việc quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; 31 dự án xây dựng vận hành mô hình quản lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và tổ chức khoa học, công nghệ; 21 dự án tập huấn và đào tạo về SHTT; 122 dự án xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc thù địa phương.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều các dự án liên quan đến bảo hộ, áp dụng và phát triển giống cây trồng mới, dự án tăng cường hiệu quả thực thi về SHTT, dự án tuyên truyền, quảng bá, hội thảo, xúc tiến thương mại,v.v…

Với sự quan tâm của và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đông doanh nghiệp, địa phương, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của trương trình trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2016 có thể thấy, đã có bước đột phá, dịch chuyển lớn về quan điểm tiếp cận đối với hoạt động bảo hộ, phát triển TSTT so với giai đoạn trước. Đặc biệt, số lượng dự án về áp dụng sáng chế và xây dựng và tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quản trị tài sản trí tuệ tăng mạnh so với các năm trước đó.

Với những kết quả đề xuất dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình đã minh chứng một điều là ngành KH&CN nói chung và SHTT nói riêng đang từng bước khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều tập đoàn, DN lớn đã chủ động liên hệ, gặp gỡ, trao đổi với Cục SHTT để đề xuất các nhiệm vụ, đặt hàng tư vấn chuyên môn, hỗ trợ bảo hộ, quản trị và phát triểntài sản trí tuệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN, sáng chế; tìm kiếm các giải pháp sử dụng hiệu quả công cụ SHTT để phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó tôi tin tưởng rằng,Chương trình sẽ thành công theo mục tiêu của đề án.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Uyên (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang