Đạt tốc độ tăng trưởng cao, năng suất lao động Việt Nam vẫn 'đuối' so với nhiều nước

author 16:12 26/09/2018

(VietQ.vn) - Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) tương đối cao, song NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) tương đối cao, song NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập

Cụ thể, năm 2017, NSLĐ Việt Nam gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và chỉ bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.

Trong giai đoạn nghiên cứu (2008 – 2016), các ngành kinh tế vẫn duy trì NSLĐ ở mức cao là khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản và cung cấp nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có NSLĐ chưa cao, trong khi ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản nằm trong số các ngành có NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng NSLĐ của Việt Nam hiện chưa đạt tới mức như kỳ vọng. Ảnh: Bảo Lâm 

NSLĐ của Việt Nam thấp nhất khi so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia. Năng suất lao động của Việt Nam xếp sau Campuchia ở 3 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi và truyền thông. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia ở 3 nhóm ngành khai mỏ và khai khoáng; tài chính bất động sản và dịch vụ văn phòng cũng như dịch vụ cộng đông xã hội, cá nhân.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, năng suất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, trong khi đây là “lõi” của nền kinh tế cần phải có năng suất cao. Trong dài hạn, một nước muốn có tăng trưởng bền vững thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng cần tăng trưởng bền vững. 

“Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế. Muốn kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững thì những cải cách thể chế, hành chính phải làm cho năng suất lao động tăng” TS Nguyễn Đức Thành cho hay.

Quảng cảnh hội thảo "Đối thoại chính sách – Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”. Ảnh: Bảo Lâm

Cũng theo kiến nghị của TS Thành, hiện tại đang là thời điểm Việt Nam cần xây dựng phong trào tăng năng suất lao động giống như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã từng thực hiện trong giai đoạn trước đây. Không chỉ coi năng suất là vấn đề trong doanh nghiệp mà khu vực các cơ quan nhà nước và người dân cần đổi mới tư duy, lối sinh hoạt theo hướng tích cực, từ đó năng suất làm việc sẽ được nâng lên. 

Liên quan tới vấn đề trên, theo TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), khu vực FDI giữ vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của năng suất lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực FDI phần lớn do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa có năng suất lao động thấp sang. 

Để cải thiện đóng góp của khu vực FDI tới năng suất lao động cần chú trọng chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng; tăng cường giám sát của cấp Trung ương và cấp địa phương trong thu hút vốn nước ngoài; đồng thời thí điểm xây dựng vài khu công nghiệp sinh thái chế biến nông, lâm thủy sản. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và có những hành động cụ thể hơn.

Bảo Lâm

Giải pháp nào nâng cao NSLĐ trong công nghiệp chế biến, chế tạo?(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp hơn để nâng cao năng suất lao động của nhóm ngành này.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang