Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phân tích nguyên nhân hàng xuất khẩu bị trả về

author 06:19 13/12/2016

(VietQ.vn) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho rằng cần đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi để giảm tình trạng hàng hoá xuất khẩu bị trả về.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo thống kê của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian gần đây nhiều lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị trả về do không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cụ thể, trong bốn năm qua, ước tính có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam đã bị phía Mỹ trả về. Những lô gạo bị trả chủ yếu tồn dư các chất có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp theo đó, hàng loạt các nông sản, thực phẩm khác như trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả… cũng bị trả về, thậm chí có nước dọa “cấm cửa” những mặt hàng này với lý do nhiễm kháng sinh, chất cấm. 

Từ đầu năm 2016 đến nay, có hàng chục lô hàng thủy sản nhiễm kháng sinh bị Nhật Bản trả về, chủ yếu nhiễm các loại kháng sinh; Nhiều lô tôm, cá, chè, hồ tiêu xuất khẩu vào thị trường châu Âu cũng bị trả về với lý do không đảm bảo chất lượng…

Trước thực trạng trên, PV Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

 Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN

Thưa ông, thời gian qua nhiều lô hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị các đối tác nhập khẩu trả về, theo ông vi phạm thường gặp của doanh nghiệp khiến những lô hàng này bị đối tác từ chối là gì?

Trong thời gian vừa qua, cũng có nhiều phản ánh về việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản không đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Một trong những vi phạm của doanh nghiệp khiến đối tác từ chối là không đáp ứng được yêu cầu của đối tác về an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Yêu cầu về an toàn, chất lượng đối với từng loại hàng hóa nông sản, lâm sản thủy sản là khác nhau.

Ví dụ, thủy sản còn tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc thú ý vượt mức quy định, ô nhiễm vi sinh tại Úc là 11% trong giai đoạn 2002 đến 2013, tại Nhật là 31,18%; Nông sản còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có xuất hiện chất cấm tại Úc là 2,47%, tại Nhật bản là 3,25%; Lâm sản không chứng minh được nguồn gốc, không đáp ứng được các yêu cầu về hệ thống quản lý và chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa..

Về vấn đề đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm và hợp chuẩn quốc tế, từ phía Việt Nam đã có hệ thống văn bản luật, các chính sách an toàn thực phẩm cũng như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thậm chí còn khắt khe hơn so với tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu. Vậy nguyên nhân khiến cho các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về là gì?

Tôi cho rằng vấn đề này cần nhìn nhận một cách rõ ràng hơn. Ở nước chúng ta, tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc áp dụng. Về tiêu chuẩn, vì là tự nguyện nên có thể có nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau, nhiều mức độ khác nhau để các doanh nghiệp lựa chọn hoặc đối tác lựa chọn để áp dụng cho phù hợp với mục đích của mình.

Về quy chuẩn thì là bắt buộc áp dụng. Nếu như quy chuẩn của chúng ta cao hơn cả yêu cầu tối thiểu của nước nhập khẩu mà chúng ta xuất khẩu chủ yếu như Nhật, Mỹ, Châu Âu thì tôi nghĩ rằng cùng phải xem lại vì như vậy, doanh nghiệp sẽ chịu sự quản lý người ta gọi là “một cổ 2 tròng” tức là vừa phải đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu, đối tác xuất khẩu và vừa phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam. Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (CLSPHH) thì sản phẩm hàng hoá (SPHH) xuất khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Về nguyên nhân khiến cho các sản phẩm xuất khẩu bị trả về có thể từ một số nguyên nhân như: Doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng SPHH hoặc có kiểm soát nhưng không đủ hiệu lực để loại bỏ các sản phẩm lỗi không đáp ứng yêu cầu đối tác

Một trong những biện pháp để kiểm soát chất lượng là hoạt động thử nghiệm, chứng nhận SPHH. Do vậy, nếu như kết quả thử nghiệm, chứng nhận không chính xác, có mức độ sai số cao thì cũng dẫn đến trường hợp doanh nghiệp cho rằng kiểm soát tốt, thử nghiệm đúng nhưng khi bị đối tác thử nghiệm lại thì lại không đáp ứng yêu cầu

Doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa khả năng sử dụng việc thừa nhận kết quả Đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) lẫn nhau để đảm bảo kết quả được thừa nhận tại nước nhập khẩu, giảm chi phí, giảm việc thử nghiệm lại tại nước xuất khẩu. Nói cách khác hệ thống tổ chức ĐGSPH của nước ta cũng chưa thực sự sát cánh cùng doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Doanh nghiệp thường gặp phải những khó khăn gì để đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm và hợp chuẩn đến từ các nhà nhập khẩu? Từ phía cơ quan quản lý tiêu chuẩn chất lượng, Ông có thể đưa ra giải pháp gì tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, tránh việc bị đối tác trả lại hàng?

Những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải là: Không nắm được đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu và yêu cầu của đối tác về an toàn thực phẩm; Kết quả thử nghiệm không đảm bảo chính xác. Dẫn đến SPHH không phù hợp nhưng không phát hiện được vẫn xuất khẩu và trả lại; Chịu quá nhiều hàng rào kỹ thuật mà chưa có biện pháp hữu hiệu vượt qua cũng như nếu vượt qua thì chịu mất rất nhiều chi phí do phải mời các Tổ chức chứng nhận nước ngoài vào Việt Nam để đánh giá chứng nhận.

Để tháo gỡ khó khăn, về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng cần: Nắm rõ yêu cầu nước nhập khẩu, đối tác nhập khẩu. Về điểm này thì hiện nay Tổng cục có văn phòng TBT, là cơ quan đầu mối giúp Bộ, Chính phủ nắm bắt các thông tin về hàng rào kỹ thuật của các nước. Do đó, doanh nghiệp có thể liên hệ Văn phòng TBT trực thuộc Tổng cục TCĐLCL để nắm rõ các yêu cầu của nước nhập khẩu về SPHH của mình.

Tiếp theo đó là lựa chọn các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận được thừa nhận, hoặc chí ít phải có uy tín và phải có sự ràng buộc về chất lượng của các kết quả thử nghiệm. Ví dụ, chịu trách nhiệm đền bù cho doanh nghiệp nếu như kết quả thử nghiệm không chính xác.

Cuối cùng là tăng cường việc kết nối giữa các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận đối với nước nhập khẩu, đối tác nhập khẩu để đề nghị việc thừa nhận lẫn nhau.

Về phía nhà nước, tôi cho rằng, chúng ta cần: Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, chứng nhận. Cần mở rộng và thúc đẩy việc thử nghiệm, chứng nhận cho tất cả tổ chức ĐGSPH tư nhân, đầu tư của nước ngoài vào hoạt động này chứ không chỉ cho phép các tổ chức ĐGSPH thuộc cơ quan nhà nước thực hiện; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thử nghiệm, chứng nhận đáp ứng theo chuẩn mực quốc gia, quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng thử nghiệm có sự chính xác đáp ứng yêu cầu.

Tăng cường thúc đẩy hoạt động thừa nhận lẫn nhau về kết quả ĐGSPH như thử nghiệm, chứng nhận với mục đích để các kết quả thử nghiệm, chứng nhận nông lâm sản được các tổ chức ĐGSPH thực hiện tại Việt Nam được thừa nhận tại các nước nhập khẩu.

Mặt khác, ngay từ nội tại các tổ chức ĐGSPH cũng cần phải liên tục cập nhật các yêu cầu của nước nhập khẩu để tự xây dựng năng lực ĐGSPH của chính tổ chức mình đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, kiến nghị các cơ quan chức năng để tạo hành lang pháp lý, kết nối với các cơ quan chức năng nước nhập khẩu để đảm bảo kết quả ĐGSPH được thừa nhận.

Sau đó là cần tăng cường, tuyên truyền, khuyến khích, đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi. Có đẩy mạnh được hoạt động này thì có thể hạn chế được việc trả lại hàng của nước nhập khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Triển khai kiểm tra chất lượng hàng hoá trên diện rộng(VietQ.vn) - Nhằm góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, kế hoạch chung tay kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hoá dịp Tết Quý Tỵ 2013 của các cơ quan chức năng đang triến khai tích cực.

Hùng Cường

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang