Cơ sở 10 năm sản xuất nước ngọt siêu bẩn vẫn được chứng nhận ATVSTP

author 06:47 26/04/2016

(VietQ.vn) - Nước ngọt ở đây được sản xuất theo quy trình rất thô sơ và mất vệ sinh, nguyên liệu là hóa chất, bột tạo màu và nước giếng khoan….

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

Theo một phóng sự mới đây của Chuyển động 24h trên sóng truyền hình VTV, một cơ sở sản xuất nước ngọt tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) mỗi ngày tung ra thị trường ít nhất 1.000 lít nước giải khát. Tồn tại hơn 10 năm và được các cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng quá trình sản xuất nước ngọt tại đây khiến bất kì ai chứng kiến đều rùng mình.

Các công đoạn sản xuất nước ngọt được tiến hành một cách thủ công, không theo một quy tắc nhất định nào.

Các công đoạn sản xuất nước ngọt được tiến hành một cách thủ công, không theo một quy tắc nhất định nào. Ảnh VTV24h

Các loại nước ngọt với màu sắc sặc sỡ cùng mùi vị thơm ngon là đồ uống quen thuộc và được rất nhiều người ưa thích. Thế nhưng phóng sự về một cơ sở sản xuất nước ngọt có tên Đinh Nguyên, địa chỉ A8/4B, ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM khiến nhiều người chứng kiến phải rùng mình kinh hãi.

Trong không gian nhỏ hẹp nồng nặc mùi hóa chất, các nhân viên tiến hành việc pha chế như hàng ngày. Quy trình sản xuất nước giải khát tại đây rất thô sơ và mất vệ sinh, nguyên liệu là hóa chất, bột tạo màu và nước giếng khoan….  Một công nhân ở đây cho biết họ không học qua pha chế hay làm theo công thức, liều lượng nhất định nào cả mà chỉ áng chừng để chế biến nước ngọt bẩn mà thôi.

Chính nhân viên ở đây cũng phải thừa nhận quá trình làm ra các loại nước ngọt này rất bẩn. Sau hàng loạt công đoạn, các chai nước trên được dán nhãn, mác đầy đủ và đưa ra thị trường tới tay người tiêu dùng. Được biết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm trên là những tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Quá trình cho nước ngọt bẩn vào chai

Quá trình cho nước ngọt bẩn vào chai. Ảnh VTV24h

Cũng theo chủ sản xuất, cơ sở này có đến 8 loại sản phẩm và đã sản xuất nước giải khát hơn 10 năm nay. Mỗi ngày cơ sở này cung cấp ra thị trường ít nhất 1.000 lít nước giải khát. Tất cả đều được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được phép lưu hành trên thị trường.

Ngay sau khi phóng sự trên được phát sóng, để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước ngọt không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh thông tin phản ánh nói trên.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM phải lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Sau kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm đề nghị xử lý nghiêm theo quy định và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mỗi ngày có ít nhất 1.000 lít nước ngọt bẩn được bán ra thị trường

Mỗi ngày có ít nhất 1.000 lít nước ngọt bẩn được bán ra thị trường. Ảnh VTV24h

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nước ngọt, nước giải khát, nước uống đóng chai, đóng bình.

>> Sau Việt Nam, đến lượt Campuchia lao đao vì thảm họa cá chết hàng loạt

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang