Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 11/12

author 06:57 11/12/2014

(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập tới sự kiện Việt - Lào tăng cường hợp tác về KHCN, Tiếp tục hoàn thiện nền tảng pháp lý về KHCN, Tỷ phú Nga mua huy chương Nobel cho nhà khoa học, Cây phát điện nhờ sức gió,…

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 11/12 trong nước

Việt Nam - Lào tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ

Theo những tin tức khoa học công nghệ mới nhất trên báo chí, nhận lời mời của đồng chí Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn đầu thăm và làm việc tại Lào từ 9 đến 11/12.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã được đồng chí Bounpon Bouttanavong, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào tiếp. Phó Thủ tướng Lào đánh giá cao kết quả hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Lào thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần hỗ trợ các nhà khoa học Lào trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tạo bước đi vững chắc cho Lào khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm tới.

Hội đàm giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Lào

Hội đàm giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Lào. Ảnh VOV

Phó Thủ tướng Lào mong muốn các nhà khoa học của hai nước tăng cường hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả thiết thực góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển của mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực: tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; năng lượng nguyên tử; thông tin khoa học và công nghệ cùng với việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giữa các địa phương của hai nước.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ đầu tiên theo quy định của Chính phủ, cung cấp thông tin về các hoạt động của Bộ trong thời gian vừa qua và kế hoạch trong năm tới. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nổi bật được báo chí và dư luận quan tâm liên quan lĩnh vực KH&CN được Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân trả lời trực tiếp và thẳng thắn.

Theo đó, năm 2014, Bộ KH&CN có nhiều thành công trong việc xây dựng nền tảng pháp lý, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đổi mới cơ bản, đồng bộ và toàn diện hoạt động KH&CN; cụ thể hóa nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN, Luật KH&CN (sửa đổi Luật KH&CN năm 2000).

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ đầu tiên của Bộ KH&CN

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ đầu tiên của Bộ KH&CN. Ảnh minh họa

Năm 2015, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN; hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ tổ chức khoa học công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển thị trường KH&CN,...

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 11/12 thế giới

Tỷ phú Nga trả lại huy chương Nobel cho chủ

"Đối với tôi, việc một nhà khoa học nổi tiếng phải bán huy chương công nhận thành tựu của chính người đó là điều không thể chấp nhận. Phát hiện của Watson đã đóng góp cho nghiên cứu ung thư, căn bệnh từng khiến cha tôi qua đời. Điều quan trọng với tôi là số tiền mà tôi bỏ ra để mua huy chương Nobel sẽ góp phần hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, và huy chương này sẽ ở lại với người xứng đáng nhận nó", người giàu nhất nước Nga Alisher Usmanov nói.

Ông Usmanov thắng trong phiên đấu giá hôm 4/12 tại New York, Mỹ. Theo đó, huy chương Nobel của nhà sinh vật học James Watson được bán với giá 4,1 triệu USD. Trước đó, nó có giá khởi điểm 2,5 triệu USD.

Tỷ phú Alisher Usmanov (phải) rất buồn khi nhà khoa học Mỹ James Watson (trái) phải bán huy chương Nobel

Tỷ phú Alisher Usmanov (phải) rất buồn khi nhà khoa học Mỹ James Watson (trái) phải bán huy chương Nobel

Tỷ phú Alisher Usmanov (phải) rất buồn khi nhà khoa học Mỹ James Watson (trái) phải bán huy chương Nobel. Ảnh Getty Images

Năm 1962, James Watson nhận giải Nobel Sinh học và Y khoa với khám phá cấu trúc ADN và tầm quan trọng của nó đối với quá trình trao đổi thông tin trong vật chất sống. Tuy nhiên, Watson quyết định bán đấu giá huy chương Nobel vì cần tiền và mong muốn được hòa nhập sau một thời gian dài bị tẩy chay và xa lánh.

Trước đó, Watson là người khơi mào một cuộc tranh cãi quyết liệt trên khắp thế giới về bình luận cho rằng người có nguồn gốc châu Phi kém thông minh so với người da trắng. Quan điểm được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times của Anh năm 2007.

Cây nhân tạo phát điện nhờ sức gió

Cây phát điện nhờ gió "Wind Tree" là sản phẩm của Jerome Michaud-Lariviere và nhóm kỹ sư người Pháp. Sau ba năm nghiên cứu, họ đã hoàn thiện một cây nguyên mẫu làm bằng thép, cao 11 m, đường kính 8 m và đặt thử nghiệm ở Pleumeur-Bodou, thuộc vùng Brittany, tây bắc nước Pháp.

Mô hình cây phát điện nhờ sức gió Wind Tree

Mô hình cây phát điện nhờ sức gió Wind Tree. Ảnh AFP

Wind Tree có 72 lá nhân tạo có thể quay tương tự như tua bin trên một trục thẳng đứng. Cây được thiết kế để khai thác những cơn gió thổi nhẹ, thậm chí thổi chậm với tốc độ 2 m/s, giúp nó hoạt động liên tục khoảng 280 ngày/năm. Công suất điện đầu ra ước tính đạt 3,1 kW.

Gizmag cho hay, cây hoạt động hoàn toàn im lặng và không gây tiếng ồn khi quay như các loại tua bin gió thông thường. Trong khi đó, bộ phận lá sẽ quay bất kể gió thổi từ hướng nào. Tua bin gió hoạt động tốt hơn khi ở trên cao và nơi có nhiều gió, vì vậy chúng thường được lắp đặt ở nơi không người ở hoặc vùng ven biển. Tuy nhiên, loại cây nhân tạo mới có thể hoạt động dễ dàng ở trung tâm đô thị, bằng cách tận dụng gió nhẹ xung quanh các tòa nhà và thành phố.

Nhóm sáng chế hy vọng Wind Tree sẽ được ứng dụng rộng rãi ở nhiều hộ gia đình và trung tâm thành thị, cung cấp điện cho đèn LED trên đường hoặc trạm nạp điện cho xe. Ngoài ra, nó cũng có thể kết hợp với nhiều công nghệ sản xuất năng lượng sạch khác như quang điện, địa nhiệt, hay tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang