Tình báo Mỹ tiết lộ thông tin về vụ máy bay Malaysia mất tích

author 07:21 10/03/2014

((VietQ.vn) - Trong khi các chuyên gia cho rằng, sự mất tích của máy bay Malaysia có thể xuất phát từ một vụ nổ, thì các dữ liệu tình báo ban đầu của Mỹ lại phủ nhận khả năng này.

Sự kiện:

Hãng tin Reuters hôm 11-3 dẫn nguồn tin quân sự Malaysia cho biết họ đã lần ra dấu vết máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH 370 mất tích trên màn hình radar tới eo biển Malacca, cách xa khu vực máy bay liên lạc lần cuối cùng. Máy bay đã bay hơn 1 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình kiểm soát không lưu.

Máy bay tìm cách quay lại?

Một quan chức quân đội Malaysia nói: “Chiếc máy bay đã chuyển hướng sau khi tới TP Kota Bharu - Malaysia rồi hạ độ cao. Sau đó, máy bay bay vào eo biển Malacca”. Nếu thông tin này được kiểm chứng thì chiếc máy bay bay thêm khoảng 500 km nữa trong điều kiện thiết bị phát đáp và tất cả hệ thống liên lạc, theo dõi khác dường như đã tắt.

Trước đó, cùng ngày, tờ Berita Harian của Malaysia dẫn lời Tư lệnh Không quân nước này, ông Rodzali Daud, cho hay chiếc máy bay được phát hiện lần cuối qua radar quân đội vào lúc 2 giờ 40 phút ngày 8-3 (giờ địa phương) gần đảo Pulau Perak ở phía Bắc eo biển Malacca, ở độ cao 9 km.

Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích giờ đây tập trung vào phía Tây Malaysia, cụ thể là bán đảo ở eo biển Malacca, sau 4 ngày lùng sục không kết quả ở biển Đông. Ông Ahmad Jauhari Yahya, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS), cho biết các nhóm tìm kiếm và cứu hộ đang mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài lộ trình dự kiến của chiếc máy bay.

Nhà chức trách cũng đang xem xét khả năng máy bay tìm cách bay trở lại sân bay Subang ở bang Selangor, cách sân bay quốc tế Kuala Lumpur 50 km. Việc tìm kiếm trên đất liền cũng đang tiến hành.

Lung lay nghi vấn khủng bố

Theo ông Ahmad Jauhari Yahya, chiếc máy bay mất tích đã hoạt động được 10 năm. Lần bảo trì gần nhất là hôm 23-2 và không phát hiện trục trặc gì. Quan chức MAS này khẳng định máy bay có hệ thống tự động truyền dữ liệu nhưng đã không có cuộc gọi cầu cứu nào diễn ra trước khi nó biến mất.

Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur cho biết Malaysia bác bỏ các thông tin truyền thông cho rằng có thể đã xảy ra không tặc, nổ tan tành trên không hoặc ra đa trục trặc đối với máy bay mất tích. Trong khi đó, các nguồn tin chính phủ Mỹ và châu Âu tiết lộ các nhà điều tra quốc tế đang có mặt tại Malaysia vẫn giữ thái độ hoài nghi với giả thuyết máy bay bị tấn công.

Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi nhà chức trách Malaysia công bố danh tính một trong 2 hành khách dùng hộ chiếu giả lên chiếc máy bay. Đó là nam thanh niên 19 tuổi người Iran, tên Pouria Nur Mohammad Mahrdad. Cảnh sát đã liên lạc với mẹ của Mahrdad và bà đang đợi anh ta ở Frankfurt - Đức. Ông Tan Sri Khalid Abu Bakar, Tổng Thanh tra Cảnh sát Malaysia, cho biết: “Chúng tôi tin rằng anh ta không phải là thành viên của bất cứ nhóm khủng bố nào mà đang cố gắng xin tị nạn tại Đức”.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) xác định danh tính của người dùng hộ chiếu ăn cắp còn lại cũng là một người Iran 29 tuổi, tên là Delavar Seyed Mohammad Madreza. Ngoài ra, Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble cho biết ông không tin việc máy bay mất tích là một vụ khủng bố.  Mặt khác, ông Bakar bác bỏ tin đồn có 5 hành khách không lên máy bay dù đã mua vé. Kết quả điều tra cho thấy những ai mua vé đều đã lên máy bay.

Cũng theo ông Bakar, các nhà điều tra đang tập trung vào 4 yếu tố: không tặc, hành động phá hoại, những vấn đề cá nhân của hành khách và thành viên phi hành đoàn. Ông cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống cá nhân của các hành khách và thành viên phi hành đoàn. Không loại trừ có ai đó mới mua bảo hiểm nhân thọ với giá trị lớn trước khi lên máy bay”. Nhóm điều tra cũng nghiên cứu hành vi của hành khách thông qua các đoạn video có được từ ngày 7-3 đến thời điểm máy bay cất cánh. Thông tin này đăng tải trên Nguoilaodong.

Theo Tienphong, chiếc Boeing 777-200ER được trang bị trang bị hệ thống radar và thiết bị định vị toàn cầu (GPS), ngoài ra còn có hệ thống máy tính có khả năng tự động liên lạc với mặt đất thông qua các tin nhắn. Vì thế, chuyên gia an ninh lo ngại hệ thống này đã bị tắt hoặc phá huỷ
Ông Đinh Đức Tuấn - Phó Ban An toàn chất lượng và an ninh Tổng công ty Hàng không VN, người có 20 năm kinh nghiệm điều khiển dòng máy bay Boeing cho biết: Trên máy bay Boeing 777 bị mất tích có trang bị hai thiết bị định vị gồm hệ thống rada và thiết bị định vị toàn cầu (GPS). Tuy nhiên, đến nay, các tín hiệu để định vị không được báo đi từ máy bay bị mất tích. Lý do theo ông Tuấn là các hệ thống này đã bị tắt hoặc phá huỷ.
Về hộp đen máy bay, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay Cục Hàng không cho biết: Hộp đen máy bay không phải là thiết bị phát tín hiệu để định vị. Vì thế, hộp đen máy bay chỉ có thể tìm được khi xác định được khu vực máy bay rơi.
Theo Reuters, chiếc Boeing 777-200ER được trang bị một hệ thống máy tính có khả năng tự động liên lạc với mặt đất thông qua các tin nhắn có tên gọi kỹ thuật là ACARS. Các tin nhắn này giúp nhân viên kỹ thuật dưới mặt đất tiến hành các bước cần thiết nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị cho máy bay sau khi hạ cánh.
Còn trong trường hợp máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines, nhân viên điều tra đã không nhận được tin nhắn ACARS để giúp họ khám phá ra được điều gì đã xảy ra cho chiếc máy bay, nguồn tin của Reuters cho hay.
“Không có bất kỳ tin nhắn ACARS nào được truyền đi kể từ sau khi máy bay biến mất”, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Theo quảng cáo của tập đoàn Boeing, ngoài hệ thống gửi tin nhắn tự động ACARS, các hãng hàng không còn có thể mua để trang bị thêm cho máy bay một hệ thống khác có tên gọi là hệ thống Quản lý tình trạng máy bay, vốn có thể cập nhật sự cố theo thời gian thật và cho phép cả Boeing lẫn hãng hàng không cùng kiểm soát chuyến bay.
Nguồn tin của Reuters cho biết có lẽ Malaysia Airlines đã không lắp đặt hệ thống này cho chiếc máy bay bị mất tích.

 

Thông tin trên VNN nói rằng, số phận của chiếc máy bay Malaysia biến mất giữa không trung hiện vẫn là một bí ẩn trong khi cuộc tìm kiếm trên biển và trên không quy mô lớn đã bước sang ngày thứ tư nhưng không phát hiện được dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200ER.

Cả Nhánh đặc biệt Malaysia, cơ quan dẫn đầu vụ điều tra ở địa phương, lẫn các cơ quan tình báo của Mỹ và châu Âu đều không loại trừ khả năng các nhóm chiến binh có thể liên quan tới vụ tiêu diệt máy bay của Malaysia Airlines.

Tuy nhiên, nhà chức trách Malaysia cho rằng, cho tới giờ, các bằng chứng vẫn không đủ rõ ràng để nói một vụ tấn công chính là nguyên nhân làm máy bay mất tích. Và rằng, trục trặc kỹ thuật hoặc lỗi phi công có thể dẫn tới một vụ tai nạn, nguồn tin Mỹ cho hay.

"Không có bằng chứng cho thấy đó là một hành động khủng bố", một nguồn tin an ninh châu Âu cho hay và bổ sung thêm rằng không có giải thích nào cho thấy điều đó đã xảy ra hoặc nó xảy ra ở chỗ nào.

 

 

Tin trên VNN, trong ngày thứ 3 tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, Việt Nam đã huy động 6 máy bay, Singapore có 1 máy bay, Malaysia có 2 máy bay tìm kiếm. Ngoài ra, Việt Nam cũng điều 7 tàu biển tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện bất cứ vật chứng gì chứng minh chiếc Boeing 777-200 bị rơi!

Cũng như trong 2 ngày trước, ngày 10/3, các lực lượng tìm kiếm đã nỗ lực hết mình với hy vọng tìm được vật chứng hay bất cứ thứ gì liên quan, nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở mức độ khả nghi và đang được xác minh.
Đặc biệt, vào lúc 15h20, thông tin từ Cục hàng không VN cho biết, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia (trước đó do máy bay tìm kiếm của Singapore phát hiện) ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy. Có thông tin nghi vấn đây là xuồng cứu hộ từ máy bay. Tuy nhiên, ngay sau đó Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chính thức khẳng định: Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.
Đến 16h30, thông tin từ Trung tâm cứu nạn hàng không VN cho biết, cơ quan không lưu Hồng Kông thông báo, có một tàu bay dân sự của hãng Hồng Kông nhìn thấy rất nhiều mãnh vỡ chưa xác định, trên khu vực biển cách Vũng Tàu 60km về phía Đông Nam. Tuy nhiên, đại diện Cục Hàng không cũng cho biết, trên vùng biển này có rất nhiều tàu ngư dân đang hoạt động.
Các cơ quan chức năng Việt Nam đang đề nghị các tàu xung quanh khu vực này xác minh lại thông tin này. Ông Lê Văn Chiến – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng xác nhận đã nhận được tin báo từ Sở chỉ huy đặt tại Hà Nội, tại địa điểm trên có những mảnh vỡ nghi là của máy bay.
Ông Chiến đã thông báo với Bộ đội Biên phòng và Sở Thuỷ sản Vũng Tàu tổ chức ra hiện trường cách bờ biển vũng tàu trên 30 hải lý (khoảng 60km) về phía Đông Nam để tìm vật thể lạ.
Trong ngày 10/3, cũng đã có 2 tàu Trung Quốc được chấp thuận vào vùng biển Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, hai tàu này rất hiện đại nên khi vào sẽ phải phối hợp với Việt Nam tìm kiếm và cùng đi với nhau.
Cuối ngày tìm kiếm thứ 3, Trung tướng Tuấn khẳng định, lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam và các nước bạn chưa tìm thấy bất kỳ vật chứng gì chứng minh chiếc Boeing 777-200 bị rơi!
Trung tướng Võ Văn Tuấn cũng cho biết, chúng ta sẽ tập trung lực lượng tìm kiếm đến bao giờ thấy thì thôi. Có những chiếc máy bay bị rơi sau 2 năm tìm kiếm mới tìm thấy. 
Trong khi đó, ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay hàng không VN cho biết, trong ngày thứ 3 tìm kiếm, Việt Nam đã huy động 6 máy bay, Singapore có 1 máy bay, Malaysia có 2 máy bay tìm kiếm. Ngoài ra, Việt Nam cũng điều 7 tàu biển gồm tàu của cảnh sát biển, hải quân và tàu cứu nạn 113 tham gia tìm kiếm.
Ông Gia cũng cho biết thêm, ngày 10/3 vùng tìm kiếm đã tiếp tục được mở rộng và tổng diện tích tìm kiếm của tất cả các nước là 126.000km2. Riêng Việt Nam đảm nhiệm việc tìm kiếm trên vùng biển chỉ cách đất liền ở mũi Cà Mau hơn 10km, rộng hơn đáng kể so với 2 ngày trước đó. Dự kiến ngày mai, các lực lượng sẽ vẫn bay ra biển với hi vọng và nỗ lực tìm kiếm được dấu vết của chiếc máy bay mất tích.
Liên quan đến an toàn cho các máy bay tham gia tìm kiếm, ông Gia khẳng định, các bước tìm kiếm cứu nạn đến thời điểm này từ phía Việt Nam được đánh giá là rất chủ động và tích cực. ACC TP.HCM đã điều hành rất tốt hoạt động bay tìm kiếm, đảm bảo an toàn cho phương tiện. 
Trong khi đó, nói về kế hoạch tìm kiếm ngày hôm nay (11/3), Trung tướng Võ Văn Tuấn nói: Lực lượng tìm kiếm sẽ mở rộng về phía Đông đảo Côn Sơn. Gần 3 ngày qua, lực lượng tìm kiếm chủ yếu hoạt động ở phía Tây.

 

 

Tờ New York Times cho biết "các dữ liệu tình báo sơ bộ" của Lầu Năm Góc cho thấy, chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines không hề bị nổ ở Biển Đông.

New York Times dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói rằng "một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới" không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ.

Trong số 239 người trên chiếc máy bay Boeing 777-200ER có 2 người sử dụng hộ chiếu bị mất cắp.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đang điều tra những mối quan ngại về khủng bố.

Các phi công và các chuyên gia hàng không thì cho rằng có vẻ một vụ nổ trên máy bay là nguyên nhân của thảm họa.

John Goglia, một cựu ủy viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng việc không hề có một cuộc gọi cấp cứu nào chứng tỏ có thể máy bay bị nổ do áp suất hoặc bị phá hủy do một thiết bị nổ. "Chắc là nó xảy ra rất nhanh vì không hề có liên lạc nào," Goglia nói.

FBI hợp tác điều tra

Ngày 9-3, truyền thông Mỹ đưa tin Cục Điều tra liên bang (FBI) đang cử các đặc vụ và chuyên gia kỹ thuật tới hỗ trợ điều tra vụ mất tích máy bay của Hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a. Trong số 239 người trên chuyến bay có một số hành khách mang quốc tịch Mỹ. Phát biểu trước báo giới, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, các đặc vụ FBI có mặt ở Đại sứ quán Mỹ tại Cu-a-la Lăm-pơ đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong khi đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cũng đã cử một nhóm chuyên gia tới châu Á để hỗ trợ cuộc điều tra.

 

 

Máy bay Ma-lai-xi-a có thể đã quay đầu trước khi mất tích

 Liên quan đến công tác điều tra vụ máy bay mất tích nói trên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ma-lai-xi-a Hi-xa-mu-đin Hu-xen (Hishammuddin Hussein) cho biết, nước này đang điều tra mối liên hệ khủng bố trong vụ mất tích của chuyến bay MH370 và các điều tra viên đang tìm hiểu danh tính của 2 hành khách mang hộ chiếu giả trên chuyến bay, song chưa xác định liệu máy bay có bị tấn công hay không. Ông cũng xác nhận các điều tra viên Ma-lai-xi-a đã gặp những đồng nghiệp từ FBI và công tác điều tra đang tập trung vào bản kê khai hàng hóa của hành khách. Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-gíp Tun Ra-dắc (Najib Tun Razak) cũng đã yêu cầu ra soát lại hệ thống an ninh của nước này sau khi có tin nói 2 hành khách lên chiếc máy bay đang mất tích bằng hộ chiếu ăn cắp. Trong khi đó, một số tờ báo Ma-lai-xi-a đưa tin giới chức Ma-lai-xi-a đang điều tra thông tin có tới 4 người mang hộ chiếu giả lên máy bay.

Tư lệnh Không quân Hoàng gia Ma-lai-xi-a, Tướng Rô-da-li Đau (Rodzali Daud) ngày 9-3 cho biết, giới chức nước này đang điều tra khả năng chiếc máy bay đã tìm cách quay trở lại Cu-a-la Lăm-pơ trước khi bị mất tích theo những thông tin ghi nhận trên ra-đa. “Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu trên ra-đa và phát hiện có khả năng máy bay đã quay đầu”, ông Rô-da-li Đau nói. Hiện các đội cứu hộ của Ma-lai-xi-a đang mở rộng quy mô tìm kiếm tại khu vực bờ biển phía Tây nước này.

CNN ngày 9-3 đưa tin, hai hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp của công dân I-ta-li-a và Áo có vẻ như đã cùng mua vé máy bay với nhau. Cặp vé này được mua bằng tiền bạt (Thái Lan) từ Hãng hàng không China Southern Airlines. Số vé liền kề nhau cho thấy chúng được bán ra cùng lúc. Lịch trình bay trên cả hai tấm vé bắt đầu bay từ Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), sang Bắc Kinh (Trung Quốc), rồi đi đến Am-xtéc-đam (Hà Lan). Tấm vé mua bằng hộ chiếu I-ta-li-a sẽ tiếp tục bay sang Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch), còn tấm vé mua bằng hộ chiếu Áo sẽ sang Phrăng-phuốc (Đức). CNN nhận định thông tin mới này làm cho sự mất tích của chuyến bay MH370 càng thêm bí ẩn.

Hiện thông tin về quãng thời gian mà máy bay đã bay trước khi mất tích đang có sự khác biệt. Một phát ngôn viên của Hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a tối 8-3 cho hay, cuộc trao đổi cuối cùng giữa phi hành đoàn và đài kiểm soát không lưu ở Ma-lai-xi-a là vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng 8-3 và máy bay mất tích khỏi hệ thống vào 2 giờ 40 phút. Báo cáo ban đầu của Malaysia Airlines cho thấy, chuyến bay MH370 mất liên lạc 2 tiếng sau khi rời Ma-lai-xi-a. Tuy nhiên, theo dữ liệu trên trang web theo dõi máy bay  Flight Radar 24, chiếc máy bay đã mất tích sớm hơn nhiều, chỉ khoảng 40 phút sau khi cất cánh.

Ma-lai-xi-a cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam

Chính phủ Ma-lai-xi-a đã hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác của 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc triển khai công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a A-ni-pha A-man (Anifah Aman) ngày 9-3 cho biết, ông đã liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Xin-ga-po, Phi-líp-pin và Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ma-lai-xi-a cũng hoan nghênh sự trợ giúp tương tự từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong các hoạt động tìm kiếm. Người đứng đầu ngành ngoại giao Ma-lai-xi-a cho biết, nước này đã thiết lập Trung tâm điều phối quốc gia tại Trung tâm kiểm soát thảm họa ở thành phố Cyberjaya, bang Selangor để theo dõi tình hình.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 9-3 (giờ địa phương), tàu cảnh sát biển 3411 của Trung Quốc đã vào vùng tâm điểm trong vùng biển nghi ngờ máy bay chở khách của Ma-lai-xi-a bị mất liên lạc. Về phần mình, Hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a cho biết sẽ lập một trung tâm chỉ huy ở Kota Baru của Ma-lai-xi-a hoặc ở TP Hồ Chí Minh của Việt Nam ngay sau khi xác định được vị trí máy bay bị mất tích nói trên.

Chiều 9-3, đại diện Hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a đã tổ chức họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại cuộc họp báo, đại diện Hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a khẳng định thông tin về chuyến bay đều được hãng này công khai, minh bạch và kịp thời công bố. Ngoài việc đưa một đoàn nhân viên sang hỗ trợ chăm sóc người nhà hành khách Trung Quốc tại Bắc Kinh, hiện hãng này đang gấp rút đối chiếu các thông tin của danh sách người nhà hành khách như hộ chiếu, thị thực để tạo điều kiện sớm nhất đưa họ sang Cu-a-la Lăm-pơ thể theo nguyện vọng.

Trước đó, tối 8-3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã gửi lời chia buồn tới thân nhân các hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay của Hãng hàng không Ma-lai-xi-a mất tích.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đan Phong - Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang