8/3, gặp người phụ nữ 4 lần nhận giấy báo tử của chồng

author 09:01 08/03/2016

(VietQ.vn) - Sau nỗi đau 4 lần nhận giấy báo tử của chồng, món quà lớn nhất mà bà Nguyễn Thị Thất (84 tuổi) nhận được đó là việc ông xã vẫn... còn sống.

Ít ai biết tới câu chuyện cảm động về một người phụ nữ đã mòn mỏi đợi chồng qua nhiều năm tháng, vượt qua vô vàn những thăng trầm sau 4 lần nhận giấy báo tử của chồng từ mặt trận gửi về. Tình yêu lớn lao, tình cảm sâu sắc của ông Đỗ Trọng Ngoạn (86 tuổi, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Thất (84 tuổi) được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ.

Chúng tôi tìm về căn nhà khiêm nhường nằm ẩn sâu bên trong những con ngõ nhỏ của phố Khương Trung. Tại căn nhà của mình, vợ chồng ông Ngoạn và bà Thất vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Tại đây, từng câu chuyện được  ông bà kể rành mạch, theo đó, việc chờ chồng của bà Thất thấm đẫm tình thương và những giọt nước mắt.

Theo lời kể của bà Thất, năm 16 tuổi, ông Ngoạn đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà Sơn Động - Bắc Giang. Ngày đó, bà là bạn thân của em gái ông, thường xuyên lui tới nên được các thành viên trong gia đình rất yêu mến. Ông Ngoạn thường đi xa nhà nhưng lần nào về cũng nhìn thấy hình ảnh bà hiền lành, nết na nên ông đem lòng thương từ khi nào không biết.

Kết hôn không lâu, ông Ngoạn phải rời quê nhà đi nhận công tác mới. Nghĩ cảnh xa vợ con, ông Ngoạn quyết định đón cả gia đình về Hà Nội để dễ bề chăm sóc. Được ở bên chồng, bà Thất cũng có nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc ông. Dù cuộc sống những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông bà vẫn luôn cùng nhau nỗ lực vượt qua.

Nỗi đau khi nhận giấy báo tử của chồng

Cổ họng bà Thất nghèn nghẹn nhớ lại: "Tôi đang làm cỏ ngoài ruộng thì có người gửi cho tôi tờ giấy báo tử của chồng đã hy sinh trong một trận truy quét của địch. Lúc nghe tin ấy, tai tôi ù đi rồi ngất lịm, không biết gì nữa".

Bà Nguyễn Thị Thất (84 tuổi) kể về 4 lần nghe tin chồng mất.

Sự việc đã xảy ra hàng chục năm trời, nhưng khi nhắc lại, người kể và người nghe đều có cảm giác như nó mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Biết tin chồng hi sinh, có lẽ không chỉ riêng bà mà bất cứ người mẹ người vợ nào cũng đều đau lòng đến tuyệt vọng.

Nhắc tới người chồng của mình, bà Thất kể lại: Năm 1967 ông Ngoạn phải tăng cường vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị). Nghĩ cảnh ông Ngoạn chiến đấu ở chiến trường ác liệt, đối mặt giữa sự sống với cái chết khiến bà Thất lo canh cánh trong lòng.

Không lâu sau thì điềm gở đến với gia đình, năm 1968, gia đình bà Thất nhận được giấy báo tử của chồng. Gắn bó chưa được bao lâu, nay phải xa cách, nghĩ cảnh con cái nheo nhóc khiến bà Thất như “chết đi sống lại”.

“Cả gia đình ai cũng bàng hoàng, tôi thì ngất lên, ngất xuống. Gia đình cũng đã lập bàn thờ. Lần thứ hai, tôi nhận giấy báo tử của chồng vào giữa năm 1969. Khi ấy, có một anh bộ đội từ chiến trường Khe Sanh về đến nhà báo tin chồng hy sinh. Tiếp đến lần thứ 3 thì có một lá thư báo tin chồng tôi hy sinh vì Tổ Quốc. Cuối thư kèm theo lời chia buồn động viên, họ còn nói rõ: Giấy báo tử sẽ về sau” – bà Thất tâm sự.

Tuy vậy, cả 3 lần gia đình đều phải lên nhờ chính quyền xác minh và may mắn đó là nhầm lẫn. Duy chỉ có lần thứ 4 là giấy báo tử thực sự về nhà. Nhưng khác với ba lần trước, khi cả gia đình choáng váng, con trai lớn của bà lại trấn an: “Cả nhà bình tĩnh vì giấy báo sai thì sao”. Và thế là cả nhà bà Thất lại sống trong phập phồng đau xót và hy vọng.

Niềm vui vỡ òa khi chồng trở về

Từ chiến trường lành lặn, ông Ngoạn trở về Hà Nội công tác năm 1970, nhìn thấy chồng, bà không tin vào mắt mình nữa, ông đứng đó với dáng người gầy guộc, bé nhỏ. Bà vừa mừng vừa lo, họ hàng đổ xô ra gọi tên ông. Còn bà Thất cứ đứng lặng hồi lâu vì nghĩ mình đang gặp… một “bóng ma”.

Ông Ngoạn (trái) biết ơn vợ vì bà đã sắt son đợi chồng sau 4 lần nghe báo tử.

Ông Ngoạn chia sẻ: “Lúc tôi trở về, buồn cười nhất là mọi người không ai nhận ra tôi, ai cũng chỉ nói tôi là “ma” thôi. Mẹ tôi thì véo má tôi xem có phải là người thật hay không. Đặc biệt, cả nhà còn may sẵn cả bộ đồ đen tươm tất cả rồi nhưng chưa mang đi chôn. Khi nhận ra tôi đã trở về thật, mọi người mới mang áo đen đi đốt chứ không chôn”.

Nghĩ về những người phụ nữ của đời mình, ông Ngoạn thấm thía, biết ơn vợ và người mẹ thân sinh ra ông vì với cả 2 người phụ nữ này, ông đều gửi gắm nhiều tình cảm yêu thương. Và trong tiềm thức, ông Ngoạn lúc nào cũng muốn được chăm sóc, động viên, bên cạnh họ những lúc ốm đau, trái gió trở trời.

“Tôi muốn dành quãng thời gian còn lại của cuộc đời mình để bù đắp cho mẹ và vợ tôi. Những lúc vắng tôi, họ đã thiệt thòi quá nhiều rồi!” – ông Ngoạn nói.

Kiều Oanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang