Shopee có đang dung túng cho hàng ‘dởm’, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng?

author 09:12 30/07/2021

(VietQ.vn) - Đề ra hàng loạt quy định với đơn vị muốn đem hàng hóa lên kinh doanh trên sàn nhưng trên thực tế, Shopee vẫn để lọt những sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ xuất xứ, vô hình trung đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng.

Đặt hàng thương hiệu, nhận ngay hàng "dởm"

Hàng giả, hàng nhái đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện nay. Các loại hàng này đi vào cuộc sống bằng nhiều con đường khác nhau với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng. Do đó, việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý ngày càng gian nan, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh tay, chế tài xử phạt nặng hơn nữa. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành tấn công mạnh vào những đường dây, ổ nhóm, tụ điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái nổi cộm, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Đối tượng kinh doanh thường sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như cất giấu hàng khi có mặt cơ quan chức năng, bán qua mạng xã hội, lưu trữ hàng hóa cùng nơi ở tại các khu chung cư cao cấp được kiểm soát chặt chẽ việc ra vào.

Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhái. Thực tế cho thấy, khi các chợ truyền thống bị lực lượng chức năng “sờ gáy”, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái tìm cách thay đổi hình thức kinh doanh, đưa hàng lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT. Trong khi đó, trên sàn TMĐT đang xảy ra tình trạng người bán đăng quảng cáo một đằng nhưng giao hàng một nẻo, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như khám xét nơi cất giữ tang vật của lực lượng chức năng.

Iprice thống kê Top 10 trang thương mại điện tử được nhiều người truy cập nhất khu vực Đông Nam Á năm 2020, trong đó, Shopee đứng vị trí số 1.

Trước sự phát triển nhanh chóng của sàn TMĐT tại Việt Nam, Shopee nổi lên như một cái tên đình đám. Theo thống kê của Iprice, năm 2020 sàn thương mại điện tử Shopee đứng vị trí đầu bảng website được truy cập nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, bên cạnh thành công, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán trên sàn thương mại điện tử này đang trở thành thực tế nhức nhối.

Cụ thể, chỉ cần gõ từ khóa về một món sản phẩm muốn mua, người dùng có thể tìm được rất nhiều kết quả với mức giá khác nhau đến từ các tiểu thương đăng ký bán hàng trên Shopee. Thước đo chất lượng sản phẩm được cân đong đo đếm bằng số lượng người đã mua sản phẩm (do shop thống kê) và những bình luận, đánh giá của người đã sử dụng sản phẩm. Thế nhưng, những chỉ số trên nhiều khi lại là chiêu trò của Shop.

Điều đáng ngại, nhiều mặt hàng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, túi xách - những mặt hàng dễ bị làm giả vẫn ngang nhiên bày bán trên Shopee mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Trong vai người mua hàng, phóng viên đã tiến hành đặt mua sản phẩm nhũ mắt thương hiệu Lameila của Trung Quốc được 1 shop địa chỉ tại Hà Nội bán ra thị trường. Khi nhận sản phẩm, phóng viên tiến hành kiểm tra mã vạch để xác minh nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên lại không thu được kết quả về nguồn gốc sản phẩm nhũ mắt Lameila. 

Được biết, sản phẩm trên bán công khai trên sàn thương mại điện tử Shopee với giá 7.900 đồng. Theo thông tin đăng tải trên Shopee của đơn vị kinh doanh, sản phẩm không ghi thông tin về nơi sản xuất cũng như cảnh báo người dùng ngưng sử dụng nếu có dấu hiệu bất thường. 

Sản phẩm nhũ mắt Lameila mua từ Shopee nhưng không thể truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Diệu Hương

Tiếp đó, phóng viên đặt mua thêm sản phẩm phụ kiện điện thoại trên Shopee tại shop "Phụ kiện độc chất", được quảng cáo cung cấp sạc, cáp, tai nghe Vsmart chính hãng. Shop có địa chỉ tại số 4, ngõ 104 Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Theo Shop này, sản phẩm được bảo hành 6 tháng, phụ kiện Vsmart chính hãng gồm sạc nhanh QC 3.0, cáp Type C, cáp Micro, tai nghe với mức giá mềm, sang trọng.

Tuy nhiên, khi nhận sản phẩm cáp sạc type C, phóng viên ngỡ ngàng vì không phải của Vsmart mà của một thương hiệu Trung Quốc. Phóng viên tiến hành kiểm tra thông tin mã vạch thì nhận được kết quả tương tự như sản phẩm nhũ mắt Lameila. Ngoài ra, cửa hàng cũng không có bất cứ thông tin gì trên Shopee chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, đại lý uỷ quyền của Vsmart cũng như phiếu bảo hành.  

 Sản phẩm cáp sạc Tyce C mua từ Shopee được quảng cáo là hàng chính hãng Vsmart và được bảo hành 06 tháng. Tuy nhiên, khi đến tay người dùng lại là hàng Trung Quốc. Ảnh: Diệu Hương

Không dừng lại ở đó, hàng loạt sản phẩm làm đẹp đều không kiểm tra được thông tin thông qua mã vạch. Câu hỏi đặt ra, khi khách đặt mua sản phẩm, Shopee chỉ đóng vai trò đơn vị trung gian hưởng % từ việc mua bán trên, rủi ro với khách hàng ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đáng chú ý, người mua hàng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất cả trong và ngoài nước với mức giá ưu đãi trên Shopee. Chỉ cần tra cứu cụm từ thực phẩm chức năng trên thanh tìm kiếm của Shopee, khách hàng nhận được rất nhiều kết quả khác nhau. Thế nhưng, phần lớn cá nhân/đơn vị kinh doanh không công khai giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. 

Điều khoản chặt chẽ nhưng kiểm soát bằng 0?

Để kiểm chứng thông tin, vào vai người bán hàng, phóng viên đã lập 1 tài khoản trên Shopee, đồng thời tiến hành đăng ký gian hàng và đăng bán sản phẩm. Theo chính sách của Shopee, đối với mặt hàng mỹ phẩm, người bán cần đảm bảo quy định: Hình ảnh sản phẩm phải rõ ràng (Nhãn mác, bao bì, thương hiệu), thông tin có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng sản phẩm; Không đăng bán mỹ phẩm đã qua sử dụng; Không đăng bán các sản phẩm không rõ bao bì, nhãn mác, không nguồn gốc; Riêng đối với các sản phẩm handmade, tên sản phẩm phải có chữ "handmade", mô tả sản phẩm phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng; Nghiêm cấm các sản phẩm kem trộn.

Đối với sản phẩm thương hiệu trong nước phải đăng kèm hình scan (bản gốc hoặc sao y công chứng) các loại giấy chứng nhận: Phiếu công bố mỹ phẩm do Bộ/ Sở Y tế cấp, trong đó thể hiện thông tin chủ thể chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Chứng nhận đại lý/Hợp đồng mua bán/hóa đơn nhập hàng từ công ty sản xuất (nếu người bán là đại lý); Hóa đơn nhập hàng và chứng nhận đại lý của bên phát hành hóa đơn (nếu người bán nhập hàng từ bên trung gian).

Sau khi tạo được tài khoản trên Shopee, phóng viên tiến hành đăng tải sản phẩm đầu tiên là mặt nạ ốc sên có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đối với mặt hàng này, để vượt qua khâu kiểm duyệt của Shopee không khó. PV chỉ cần đăng ảnh sản phẩm, ghi thông tin và xuất xứ Trung Quốc là có thể dễ dàng qua được quá trình kiểm duyệt. Nhưng với mức giá từ 3.000 đồng/mặt nạ, chất lượng sản phẩm trên thật khó có thể biết.

Tiếp theo đó, phóng viên đăng bán sản phẩm thực phẩm chức năng. Đối với mặt hàng này, Shopee cũng có những quy định nhất định. Cụ thể, người bán cần có các giấy tờ: Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, chứng nhận đại lý/ hợp đồng mua bán/ hóa đơn mua hàng (nếu sản phẩm nhập khẩu), giấy xác nhận quảng cáo. Ngoài ra, người bán cần minh bạch thông tin, mô tả sản phẩm cần nêu rõ "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; Thông tin sản phẩm phải phù hợp với nội dung của giấy xác nhận quảng cáo, không được lạm dụng quảng cáo sai sự thật; Không đăng bán sản phẩm thực phẩm chức năng xách tay. 

Điều bất ngờ, dù không có những giấy tờ mà Shopee yêu cầu, chỉ cần sử dụng ảnh sản phẩm, giấy tờ của 1 shop khác, sản phẩm của phóng viên đã lập tức vượt qua khâu kiểm duyệt của Shopee và xuất hiện trên kênh. Chưa hết, dù chính sách của Shopee quy định "không đăng bán sản phẩm thực phẩm chức năng xách tay", thế nhưng, chỉ cần gõ cụm từ "thực phẩm chức năng xách tay" trên thanh tìm kiếm của Shopee khách hàng đã nhận được vô số kết quả. Đáng nói, theo ghi nhận, chỉ một số shop đăng tải giấy tờ còn lại hầu như không. Câu hỏi đặt ra, thực tế kinh doanh đang diễn ra trên sàn thương mại điện tử Shopee có đi ngược lại với điều khoản công bố của sàn này?

Sản phẩm thực phẩm chức năng Vitamin E hàng xách tay Đức vẫn được bán công khai trên Shopee mặc dù đơn vị này có điều khoản cấm. Ảnh: Diệu Hương

Shopee thiếu trách nhiệm, rủi ro đẩy về phía người tiêu dùng?

Trong những lần trả lời báo chí trước đó, Shopee khẳng định nếu phát hiện gian hàng nào có hành vi kinh doanh vi phạm, Shopee sẽ loại bỏ sản phẩm vi phạm này khỏi sàn theo đúng tinh thần tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thông Tư 47/2014/TT-BCT và theo chính sách của sàn Shopee đã được đăng tải công khai trên website. 

Đơn vị này cho biết, việc kiểm tra, ngăn chặn và gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái hoặc sản phẩm vi phạm pháp luật được Shopee thực hiện ngay đối với các sản phẩm mới được đăng bán và tổng kiểm tra các sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn theo định kỳ ít nhất một lần/tháng thông qua đội ngũ nhân sự kiểm duyệt và danh sách từ khóa được đặt trên hệ thống.

Mặc dù Shopee tuyên bố là vậy nhưng trên thực tế, khách hàng vẫn mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ trên sàn thương mại điện tử này. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về việc liệu Shopee có đang buông lỏng quản lý hoạt động đăng ký gian hàng và tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ lên sàn? Khi sự cố về hàng hóa xảy ra, những người phải hứng chịu hậu quả đầu tiên là người tiêu dùng, vậy trách nhiệm Shopee ở đâu?

 Hai sản phẩm được phóng viên đăng tải trên kênh người bán của Shopee mà không cần bất cứ giấy tờ nào theo quy định của chính gian hàng này. Vậy, việc kiểm soát hàng hóa lên sàn liệu có bị bỏ ngỏ?

Hiện nay, hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả đang diễn ra vô cùng tinh vi. Do đó, để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hành vi vi phạm, nhất là trong lĩnh vực TMĐT trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử cần phải được nâng cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” hàng hóa. Đồng thời cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

Quan trọng nhất, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này, không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Bởi thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng là một trong những mắt xích quan trọng. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay các loại hàng hóa này thì tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Diệu Hương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang