Bác sĩ cảnh báo: Những món ăn 'đặc sản' chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh nhất

authorNgọc Nga 05:45 12/03/2024

(VietQ.vn) - Theo bác sĩ Nguyễn Thảo Phương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng TP.HCM, Escargot, sashimi, beefsteak là 3 trong số rất nhiều món ăn có thể gây bệnh cho người nếu không đảm bảo quy trình sơ chế và chế biến an toàn.

Không chỉ Việt Nam, người dân tại nhiều nước trên thế giới cũng rất thích ăn các món ăn tái sống. Nhiều món trong số đó lan rộng sang nhiều quốc gia khác, rất được ưa chuộng và có giá thành cao. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thảo Phương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng TP.HCM, những món ăn này đều có nguy cơ lây lan các ký sinh trùng nguy hiểm cho người như sán dây, sán lá gan, giun tròn...

Ốc sên

Escargot (trong tiếng Pháp là ốc sên) là món đặc sản đắt đỏ bậc nhất thế giới của nước Pháp. Nguyên liệu món escargot là ốc sên vườn châu Âu, ốc sên vườn Thổ Nhĩ Kỳ và ốc Burgundy.

Các nghiên cứu đã chỉ ra ăn ốc sên giúp chữa nhiều bệnh như đau khớp, lưng... Sau khi thu hoạch từ trại, ốc được rửa ruột bằng cách cho ăn những loại thảo dược đặc biệt và chỉ được uống nước. Công đoạn sơ chế gồm rửa và luộc có thể kéo dài vài ngày để đảm bảo món ăn an toàn khi được đưa đến thực khách.

Nếu không được sơ chế kỹ càng theo các bước trên, món ăn có thể trở thành nguồn lây bệnh của giun phổi chuột, ấu trùng giun có thể ký sinh trên não người và gây bệnh viêm não tăng bạch cầu ái toan.

Về món ăn này, theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) người sử dụng ốc sên sống, không được nấu chín có nguy cơ cao bị mắc bệnh viêm não, viêm màng não do bị nhiễm giun A.cantonensis. Giun A.cantonensis là một loại giun tròn, ký sinh ở phổi chuột, chuột thải ấu trùng giun ra ngoài qua phân. Ngoài môi trường, ấu trùng ký sinh ở vật chủ trung gian là các loại nhuyễn thể ở đất hoặc ở biển (ốc nước ngọt Ackhatia, ốc sên... ). Do đó, khi ăn phải ốc sên, tôm, cua có ấu trùng hoặc ăn rau sống dính chất nhờn của ốc có ấu trùng, uống nước lã có ấu trùng, người dân sẽ bị nhiễm loại giun này. Ấu trùng giun A.cantonensis vào cơ thể người sẽ ký sinh ở não hoặc đến các phủ tạng khác, chủ yếu ký sinh ở hệ thần kinh trung ương.

Sashimi

Sashimi là món ăn truyền thống của Nhật Bản, thành phần chính là các loại cá, hải sản sống được thái lát ăn cùng gừng, tía tô, rong biển… chấm cùng nước tương, wasabi. Thông thường, các loại cá, hải sản này được đông đá để loại bỏ ký sinh trùng.

Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), cá phải được đông đá ở nhiệt độ -20 độ C trong 24 giờ để diệt được ký sinh trùng. Nhiệt độ này theo quy định của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) là -35 độ C trong 15 giờ, hoặc -20 độ C trong 7 ngày. Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng tới mùi vị và trình bày món ăn, các bước này thường bị bỏ qua trong quá trình sơ chế. Đây chính là nguy cơ lây nhiễm các loại ký sinh trùng như sán cá, giun tròn…

Tại Việt Nam, ngoài cách ăn sashimi với các loại hải sản, người dân còn sử dụng các loài cá nước ngọt để ăn sống kiểu trộn gỏi. Những món ăn này có thể lây nhiễm các loài ký sinh trùng như giun đầu gai, sán lá gan nhỏ…

Nhiều món ăn tái sống nguy cơ chứa ký sinh trùng gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Beefsteak

Beefsteak (bò bít tết), là món ăn chế biến từ những miếng thịt bò phẳng, dày từ 1-5 cm, được nướng hoặc áp chảo sơ các mặt rồi rưới nước sốt lên để thưởng thức.

Độ chín beefsteak được ưa chuộng nhất là medium rare (chín 50%), lúc này phần bên trong miếng thịt còn màu hồng và chảy ra nước thịt màu đỏ. Tuy nhiên, cách chế biến này sẽ không thể giết chết ấu trùng có trong thịt. Đây là nguyên nhân gây nhiễm các loại ký sinh trùng như sán dây bò, sán lá gan lớn… cho người. Ngoài ra, miếng thịt khá dày cũng khiến đầu bếp khó phát hiện có nang sán trong thớ thịt hơn.

Cũng có đặc điểm tương tự beefsteak, phở bò tái, bò tái chanh, bò nhúng dấm... là các món ăn được nhiều người Việt ưa thích. Khi ăn thịt bò còn tái/sống, mọi người sẽ nhiễm trứng/ấu trùng sán dây bò ký sinh trong lòng ruột. Sán dây trưởng thành có thể dài tới 12 m, sống trong cơ thể người 20-50 năm.

Liên quan tới việc ăn đồ tươi, tái sống Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, một số người có quan niệm rằng việc làm nóng thực phẩm sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng và enzyme tự nhiên - vốn giúp tăng cường tiêu hóa và chống lại bệnh mãn tính. Họ tin rằng các phương pháp nấu ăn truyền thống sẽ làm cho thực phẩm trở nên độc hại hơn, mất đi sự lành tính vốn có. Theo quan niệm này, nếu chỉ ăn đồ sống hoặc chỉ chế biến tối thiểu, có thể giảm đau đầu và dị ứng, tăng cường miễn dịch và trí nhớ, cũng như cải thiện viêm khớp và tiểu đường.

Thực tế, rau củ và trái cây đều chứa ít calo, chất béo và natri, mà lại dồi dào chất xơ. Nhờ vậy, ăn nhiều rau quả xanh tươi có thể giúp ổn định huyết áp, giảm cân và ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2, cũng như hạn chế nguy cơ đột quỵ, suy tim, loãng xương, ung thư dạ dày và bệnh thận.

Tuy nhiên theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, những chế độ ăn thuần thực phẩm tự nhiên, tươi sống này chỉ phù hợp với người ăn chay và kiêng gluten. Lưu ý nếu muốn ăn rau sống cần rửa thực phẩm kỹ lưỡng và cẩn thận hơn, nhất là với các loại có rủi ro như rau mầm, quả mâm xôi, hành lá và rau diếp.

Một số thực phẩm, nhất là có nguồn gốc từ động vật, nếu chưa nấu chín hoặc tiệt trùng sẽ có liên quan đến các bệnh qua đường ăn uống. Việc loại trừ thịt động vật ra khỏi chế độ ăn uống sẽ khiến bạn không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết, chẳng hạn như protein, sắt, canxi, vitamin B12, v.v. Dễ thấy thực đơn này rất hạn chế lựa chọn, gây thiếu hụt dinh dưỡng và khó duy trì lâu dài.

Hơn nữa, do nguy cơ ngộ độc thực phẩm, chế độ ăn đồ sống, ăn đồ tái không được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao niên, người có hệ miễn dịch yếu và những người mắc bệnh mãn tính (như bệnh thận).

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang