Các quốc gia phát triển G7 cam kết hợp tác, thúc đẩy nhiên liệu hàng không bền vững

author 12:32 19/06/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông các nước G7 nhất trí hợp tác hướng tới trung hòa carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải bằng cách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Mục tiêu là nhằm tăng tốc độ giảm phát thải khí nhà kính.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày diễn ra tại thành phố Shima, miền Trung Nhật Bản. Các Bộ trưởng Bộ Giao thông G7 hy vọng sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống dưới một nửa so với mức nhiên liệu của máy bay thông thường tạo ra. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế tính toán, nhiên liệu hàng không bền vững có thể đóng góp tới 62% mức giảm phát thải carbon mà ngành hàng không hướng đến, vào năm 2050. Cam kết này được đưa ra trong tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 kết thúc ở thành phố Sapporo, Nhật Bản. Trong hai ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng G7 ở Sapporo tập trung xác định các biện pháp hướng tới mục tiêu đưa phát thải carbon của khối này về mức 0 ròng vào năm 2050 bằng cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo hãng tin Kyodo, trong tuyên bố chung, các bộ trưởng khẳng định cam kết khử carbon hoàn toàn hoặc phần lớn ngành điện vào năm 2035. Lần đầu tiên, họ nhất trí loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch chưa được xử lý để giảm cường độ carbon, bao gồm than và dầu khí trong ngành điện. Giá dầu khí đã tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến một số nước chuyển sang sử dụng than đá và khí đốt để sản xuất điện, làm chậm nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính. 

Trước đó, vào tháng 4, khối cường quốc công nghiệp G7, gồm 7 thành viên Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy, đã nhất trí tăng tốc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch như than và dầu khí, đồng thời nhất trí thúc đẩy phát triển năng lượng gió và mặt trời. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông các nước G7 nhất trí hợp tác hướng tới trung hòa carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải bằng cách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Ảnh minh họa

Vai trò của G7 trong việc cân bằng carbon 

Thỏa thuận Paris, được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thông qua vào năm 2015, cung cấp một khuôn khổ chung với tham vọng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực để duy trì ở mức 1,5%. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không tính đến các chính sách thương mại của các quốc gia ký kết và không khuyến khích các chính sách thương mại do tính đến các mục tiêu giảm thiểu rủi ro khí hậu. Các chính sách thương mại có thể gây ra những hậu quả có hại đối với hành động vì khí hậu, bằng chứng là sự gia tăng liên tục và lâu dài lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ quá trình sản xuất và vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

Vì vậy, G7 cần làm rõ chiến lược trung hòa carbon công nghiệp của mình để có thể đẩy nhanh chiến lược này nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Độ tin cậy của các mục tiêu này cần được củng cố, bởi điều này khuyến khích các hoạt động đầu tư cần thiết cho các nỗ lực trung hòa carbon. Các nước công nghiệp hóa khác phải coi việc giảm lượng khí thải và cường độ carbon của hàng hóa thương mại là nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách thương mại của họ. Các chính sách nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và rò rỉ carbon, chẳng hạn Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon châu Âu (CBAM) đã vấp phải sự hoài nghi của một số quốc gia, trong đó có một số thành viên của G7 và vẫn bị chỉ trích vì mang tính chất bảo hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách táo bạo này sẽ mang tính quyết định để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Lựa chọn chính sách khả thi tốt nhất cho một quốc gia không phải lúc nào cũng là lựa chọn của các đối tác thương mại và điều này có thể tạo ra căng thẳng, đôi khi dẫn đến các biện pháp trả đũa.

Các nước công nghiệp hóa cũng được hưởng lợi khi hỗ trợ việc tạo ra một khung pháp lý chung, bao gồm cả các nước đang phát triển, trước năm 2030. Ngược lại, sự miễn cưỡng trong việc áp dụng các chính sách khí hậu, để phòng nguy cơ rò rỉ carbon sẽ khiến quá trình trung hòa carbon của các ngành công nghiệp trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Do vậy, G7 nên đặt ra thời hạn rõ ràng để đạt được một khuôn khổ chung cho sự liên kết chính sách thương mại và khí hậu, dựa trên các sáng kiến quốc gia và khu vực hiện có. Sự liên kết của các chính sách thương mại quốc tế với các mục tiêu trung hòa carbon giờ đây phải trở thành một trong những nền tảng của các nỗ lực toàn cầu. Bằng cách khuyến khích áp dụng các công nghệ carbon thấp và loại bỏ các chính sách thương mại không tương thích với các mục tiêu về khí hậu, các nước G7 có thể đóng góp vào sự phát triển của một nền kinh tế toàn cầu bền vững cho các thế hệ tương lai, đồng thời truyền cảm hứng cho các quốc gia không phải là thành viên làm điều tương tự.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang