Cách chọn những thực phẩm cung cấp dưỡng chất tốt cho tim mạch
Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả với giá trị lớn
Nước tắm gội thảo dược Dr.Papie hộp 1 chai 230ml bị đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc
PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng ở các nước phát triển và đang phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 1/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu là do bệnh tim mạch. Tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Theo thống kê của Viện Tim Mạch Việt Nam qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Nhiều người vẫn nghĩ bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá. Người trẻ cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội. Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc và tử vong tăng, cùng với đó là gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí gia tăng… nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa.
Cần có cách lựa chọn thực phẩm chứa hoạt chất tốt cho trái tim. Ảnh minh họa
Theo ông Đáng, nguy cơ làm tăng bệnh tim mạch một phần quan trọng do các hành vi ăn uống không hợp lý, hoạt động thể lực không đầy đủ và tiêu thụ thuốc lá gia tăng, do làm việc tĩnh tại, công nghệ sản xuất hiện đại, chế độ ăn nhiều chất béo, muối, carbonhydrate tinh chế, ít rau quả... dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì, huyết áp cao, rối loạn lipit máu, đái tháo đường...
Các bệnh tim mạch hay gặp là: huyết áp cao, các bệnh mạch vành, vữa xơ động mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn tuần hoàn não, các bệnh van tim, cơ tim, nhịp tim...
Ông Trần Đáng cho biết thêm, để giữ cho tim hoạt động tốt cần cung cấp một loại "nhiên liệu" tốt cho tim mạch bằng các thực phẩm lành mạnh như: cá, thịt nạc, sữa ít béo, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và quả hạch… và các chất chống oxy hóa để phòng ngừa bệnh:
Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ các tế bào khỏi tình trạng oxy hóa. Có 8 dạng vitamin E riêng biệt, tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng chỉ có một loại alpha-tocopherol là giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con người. Cung cấp vitamin E đầy đủ là việc làm rất cần thiết để giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Vitamin E có tác dụng chống lại oxy hóa của LDL trong xơ vữa động mạch. Bổ sung vitamin E làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Vitamin E còn có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh, hệ cơ xương và võng mạc mắt. Vitamin E có trong nhiều loại thực phẩm như: hạt hướng dương, hạnh nhân, đậu phộng, quả bơ, cải bó xôi, bí đỏ, măng tây, rau chân vịt, củ cải, bắp cải, củ cải xanh, cải xoăn, súp lơ xanh, cá hồi, tôm hùm, thịt ngỗng...
Vitamin C cũng có đặc tính chống oxy hóa cao. Các nghiên cứu cũng đã thấy vai trò của vitamin C trong phòng chống bệnh tim mạch. Đây là vitamin mà cơ thể cần để hình thành các mạch máu, sụn, cơ và collagen trong xương. Vitamin C đóng vai trò là chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào chống lại tác động của các gốc tự do. Đây là các phân tử được tạo ra khi cơ thể phân giải thức ăn hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá và chất phóng xạ. Các gốc tự do đóng một vai trò trong nguyên nhân gây bệnh tim, ung thư và các bệnh khác.
Ngoài ra, vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thụ và lưu trữ sắt. Vì cơ thể không tự sản xuất được vitamin C, do đó chúng ta cần bổ sung vitamin C đầy đủ thông qua chế độ ăn uống từ trái cây họ cam quýt, quả mọng, khoai tây, cà chua, ớt, bắp cải, bông cải xanh và rau bina...
β- caroten cũng là chất chống oxy hóa cao có vai trò giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Những thực vật mà có màu vàng, cam và những loại rau có lá màu xanh đậm rất giàu beta caroten như: bí ngô, cà rốt, khoai lang, xoài, đu đủ, đào...
Chất đạm trong đậu tương có vai trò làm giảm cholesterol, LDL và triglycerid. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo mỗi ngày sử dụng 25g đậu tương nhằm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Các phytoestrogen (Isoflavon) đậu tương có khả năng cải thiện các lipid máu, làm giảm cholesterol, bảo vệ chống lại bệnh vành tim.
Gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò các axit béo omega 3 (n-3) trong phòng chống các bệnh tim mạch. Các loại cá, dầu cá chứa nhiều axit béo chưa no họ n-3: EPA và DHA có tác dụng hạ thấp cholesterol. Chế độ ăn hằng ngày nên bổ sung các axit béo n-3 để phòng các bệnh mạch vành và cụ thể trong chế độ ăn, mỗi tuần nên có 2-3 lần ăn cá thay cho thịt.
Tất cả các loại cá và hải sản đều chứa axit béo chưa no n-6 linoleic có nhiều trong dầu thực vật, có tác dụng làm giảm cholesterol và giảm LDL. Nhưng khi khẩu phần nghèo các chất chống oxy hóa thì chúng lại làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và một số ung thư. Vì vậy, khẩu phần có nhiều axit béo không no nhóm n-6 cần giàu các chất chống oxy hóa.
Một số hoạt chất khác trong thực vật như Allylic sulfid có trong hành, tỏi có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol. Catechin trong chè xanh, quả dâu có tác dụng làm giảm cholesterol.
Lignan có trong đậu tương, hạt toàn phần, quả nho có tác dụng giảm cholesterol. Monoterpen có trong rau quả, cà chua có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol. Sterol thực vật, có trong rau quả, đậu tương, hạt toàn phần có tác dụng giảm cholesterol.
Ngọc Nga (T/h)